ACB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng 10%, đạt 22.000 tỷ đồng
Từ 2013 đến nay, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng trưởng kép 21,9% hàng năm nhờ lợi nhuận tăng trưởng kép 27,94%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (AGM 2024) được tổ chức tại khách sạn Sheraton Sài Gòn (88 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) vào 8h30 ngày 4/4/2024.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, tín dụng cho nền kinh tế tăng 13,71% và huy động tiền gửi tăng 14,22% là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Còn tại ACB, quy mô vốn và tài sản tiếp tục tăng trưởng. Đồng thời, ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn.
Vào thời điểm cuối năm 2023, ACB có tổng tài sản 719.000 tỷ đồng, tăng 18,25% so với đầu năm; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá 535.000 tỷ đồng, tăng 16,77%; cho vay khách hàng 488.000 tỷ đồng, tăng 17,86%; vốn chủ sở hữu đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 21,42%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 20.068 tỷ đồng, tăng 17% và hoàn thành kế hoạch.
Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,21%, tăng 0,47 điểm %. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 91%, giảm so với mức 159% của năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân (ROA) ở mức 2,42%, tăng 0,01 điểm % so với năm 2022; Lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 24,8%, giảm 1,69 điểm %.
Với lợi nhuận sau thuế 15.522 tỷ đồng trong năm 2023, ACB trích lập các quỹ: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (5% lợi nhuận sau thuế) trị giá 776 tỷ đồng, quỹ dự phòng tài chính (10%) trị giá 1.552 tỷ đồng, quỹ của các công ty con 9 tỷ đồng, quỹ khen thưởng phúc lợi của ACB 400 tỷ đồng thì ngân hàng còn lại 13.307 tỷ đồng.
Lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia là 6.579 tỷ đồng nên nguồn vốn để chi trả cổ tức năm 2023 là 19.886 tỷ đồng. ACB sẽ thực hiện chia cổ tức với tỷ lệ 25%, gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Như vậy, ngân hàng sẽ dùng 9.710 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2023 và lợi nhuận còn lại là 10.176 tỷ đồng.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu 15% dự kiến được thực hiện trong quý 3/2024, ACB sẽ phát hành 582.607.554 cổ phiếu cho cổ đông. Sau đợt phát hành trả cổ tức 2023, vốn điều lệ của ACB tăng từ 38.841 tỷ đồng lên 44.667 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế (tỷ đồng) của ACB giai đoạn 2013-2023 và kế hoạch 2024.
Về phương hướng hoạt động năm 2024, ACB sẽ trình AGM 2024 kế hoạch tổng tài sản tăng 12%, đạt 805.050 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11%, đạt 593.779 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 14%, đạt 555.866 tỷ đồng.
ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 tăng 10%, đạt 22.000 tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách cổ tức trong năm 2024 với tỷ lệ 25%, gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Với việc trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2024, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên 51.367 tỷ đồng.
Ngoài ra, ACB sẽ trình AGM 2024 thông qua mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2023 lại 80,99 tỷ đồng, bằng 84,13% kế hoạch được AGM 2023 phê duyệt. Năm 2024, ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2024 là 0,6% của lợi nhuận sau thuế, tương đương 106 tỷ đồng.
Đóng cửa 14/3/2024, cổ phiếu ACB đạt 27.250 đồng/cổ phiếu, tăng 14% so với đầu năm giúp vốn hóa đạt 105.840 tỷ đồng.
Hiện nay, cổ phiếu ACB đang mức cao nhất mọi thời đại và tăng trưởng kép 21,9% hàng năm kể từ khi lập đáy vào cuối năm 2013 sau sự kiện của bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) trong khi VN-Index chỉ tăng trưởng kép 10,72% hàng năm. Để được kết quả này, lợi nhuận của ACB tăng trưởng kép 27,94% hàng năm kể từ 2013 đến nay.
Cổ phiếu ACB hết room ngoại
Room ngoại dành cho ngành ngân hàng là 30% vốn điều lệ. Tại ACB, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài luôn chiếm 30%.
Hiện nay, Sather Gate Investments Limited và Whistler Investments Limited đều thuộc Alp Asia Finance (Vietnam) đều có tỷ lệ sở hữu tại ACB là 4,99%, tương đương 193.907.186 cổ phiếu.