ACV 'rót' 15.000 tỷ đồng từ vốn doanh nghiệp xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất?

Trước tình trạng quá tải nghiêm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tháng 10/2018, Bộ giao thông vận tải (GTVT) đã công bố quy hoạch mở rộng cảng hàng không này lên 50 triệu hành khách/năm (gấp đôi công suất hiện tại). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn vốn sẽ lấy từ đâu?

Mở rộng sân bay theo cả 2 hướng Bắc, Nam?

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 791ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý).

Cục hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, dự kiến, sẽ mở rộng sân bay cả về phía Bắc và phía Nam, trong đó diện tích cảng hiện hữu là 545 ha; diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ gần 20 ha; diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng hơn 18ha; diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam hơn 35 ha; diện tích đất bổ sung phía Bắc hơn 171 ha.

Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chia sẻ,  với diện tích mở rộng thêm 164ha, đơn vị sẽ xây dựng hệ thống đường đường băng, hệ thống đường lăn.

Ngoài ra, sẽ xây dựng hệ thống sân đỗ tàu bay theo quy hoạch bổ sung sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía Tây Nam đáp ứng 56 vị trí, nâng tổng số vị trí đỗ lên 106 vị trí.

Đồng thời, quy hoạch sân đỗ máy bay trước hangar, nhà ga hàng hóa, khu dịch vụ hàng không, khu vực hàng không khu vực phía Bắc đáp ứng nhu cầu khai thác.

Bên cạnh đó, ACV cũng sẽ xây dựng, cải tạo nhà ga hành khách sử dụng hệ thống nhà ga hành khách T1, T2 hiện hữu, cải tạo mở rộng nâng công suất đạt khoảng 30 triệu hành khách/năm.

Bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía Nam với công suất đáp ứng đến 20 triệu hành khách/năm để nâng tổng công suất của Tân Sơn Nhất đạt 50 triệu hành khách/năm.

Sau khi hoàn thành việc cải tạo, Tân Sơn Nhất sẽ đạt cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 1, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 50 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 0,8 - 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

15.000 tỷ đồng lấy từ đâu?

Trong báo cáo mới nhất về việc đầu tư xây dựng, nâng cấp 16 sân bay, phía ACV tính toán, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến “ngốn” khoảng từ 13.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng.

Đơn vị này cũng khẳng định nguồn vốn trên sẽ được tài trợ từ nguồn vốn của ACV. Nếu được Chính phủ, Bộ GTVT đồng ý, phía ACV dự kiến sẽ khởi công dự án ngay trong Quý 2/2019.

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cũng thừa nhận, hiện ACV đã cân đối nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng tại 21 cảng hàng không sân bay đang khai thác, trong đó có các công trình nâng cấp, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch mới được phê duyệt.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, sau khi ACV cổ phần hoá, các công trình thuộc khu bay là công trình dùng chung của dân dụng và quân sự, thuộc tài sản Nhà nước, do Nhà nước quản lý và đầu tư.

Hiện Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ, dự kiến khoảng 4.466 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra tại một số CHK.

Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước (NSNN) như trên, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện các dự án này hoặc sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển của ACV để thực hiện đầu tư như kiến nghị của ACV.

Riêng đối với khu dịch vụ kỹ thuật phía Bắc như hangar, suất ăn, xăng dầu, ga hàng hoá và logistics. Do đây là công trình cung cấp dịch vụ, không phải các công trình hạ tầng thiết yếu của cảng hàng không nên Bộ GTVT sẽ tổ chức công bố danh mục để kêu gọi xã hội hoá đầu tư theo hình thức doanh nghiệp trực tiếp đầu tư.

“Theo đó, trong hai năm 2018 - 2019, Bộ sẽ thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư trước khi lựa chọn nhà đầu tư (dự kiến từ năm 2019 - 2020). Sau đó, sẽ cần 2 năm thực hiện công tác GPMB để có thể triển khai xây dựng công trình từ năm 2022”, ông Thọ đánh giá.

Theo Đinh Tịnh/ Vietnamfinance