Agribank kiến nghị được tăng vốn tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm

Theo lãnh đạo Agribank, nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có. Vì vậy, Agribank đề nghị được cấp bổ sung tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm.

Tại hội nghị của Thủ tướng và đại diện 20 ngân hàng thương mại sáng 11/2, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lớn đã gửi kiến nghị tới Chính phủ liên quan việc phát triển thị trường vốn, giảm tải cho hệ thống ngân hàng.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết ngoài đối tượng là nông nghiệp, nông thôn, nông dân (chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ), Agribank sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm về giao thông, năng lượng tái tạo.

Theo đó, Agribank tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý. Ngân hàng này đã triển khai sớm 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350.000 tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất thông thường để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Với định hướng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 tăng khoảng 16%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank tăng gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank

Lãnh đạo Agribank cho hay, nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, ngân hàng cần bổ sung thêm 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có. Do đó, ông Vượng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.

Đại diện Agribank kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017, Nghị định 140/2020 liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa phù hợp với Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định 03/2025 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) để tháo gỡ các khó khăn cho Agribank có thể sớm cổ phần hóa.

Ngoài ra, ông Vượng cho biết dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024 (bão Yagi), gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trong bối cảnh chỉ còn 1 năm thực hiện phương án cơ cấu lại Agribank, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp nhiều thách thức. Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu hiện chưa được luật hóa đầy đủ.

Vì vậy, CEO Agribank kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu…

Liên quan tới đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ, Agribank kiến nghị các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng phải quyết tâm cao nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, trong phân công rõ: người, việc, hiệu quả, thời gian; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, là điểm tựa của người dân, doanh nghiệp.

"Trong thời gian tới, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với NHNN, ngân hàng thương mại trong hoạt động, với tinh thần đã hứa là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm là phải ra sản phẩm, cân đong đo đếm được", Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh cần luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới. Đây là một điểm nghẽn cần sớm giải quyết. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu cần nhanh chóng thực hiện tăng vốn cho ngâ hàng thương mại nhà nước…

Mai Anh

Theo VietnamFinance