Ai đã ‘rót’ 3.000 tỷ trái phiếu cho Trung Nam Group?

Tài sản đảm bảo cho hai đợt phát hành trái phiếu của Trung Nam gồm: Dự án Golden Hills và Dự án Vệt 50m, Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam, đã được CTCP Trung Nam đem thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) vào giữa năm 2018.

Hai công ty thành viên thuộc Trung Nam Group vừa phát hành thành công 3.045 tỷ đồng trái phiếu.

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngày 26/8, CTCP Điện mặt trời Trung Nam đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu.

Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có kỳ hạn 9 năm với lãi suất trong kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm, các kỳ tính lãi tiếp theo bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân VND kỳ hạn 24 tháng trả lãi sau của MBB cộng biên 3,5%/năm, lãi suất thả nổi được điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần.  

Tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền tài sản và tài sản đất hình thành trong tương lai gắn liền với dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận thuộc sở hữu của tổ chức phát hành; toàn bộ số cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Nhà máy điện Trung Nam.

Sau khi dự án hoàn thiện, Điện mặt trời Trung Nam sẽ thực hiện thế chấp tài sản đã hình thành trên đất.

Ngoài ra, Trung Nam Group sẽ cung cấp văn bản bảo lãnh/cam kết vô điều kiện không hủy ngang về việc thực hiện việc thay toàn bộ các nghĩa vụ của Điện mặt trời Trung Nam, bao gồm nhưng không giới hạn các nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan đến gói phát hành.

Cùng với đó, CTCP Trung Nam (một công ty thành viên khác của Trung Nam Group) vào ngày 26/8/2019 đã phát hành thành công 945 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số 988 tỷ đồng trái phiếu chào bán.

Đây là loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và lãi suất 10,5%/năm trong kỳ tính lãi đầu tiên.

Tài sản đảm bảo là các quyền sử dụng đất, các quyền gắn liền hoặc phát sinh trong tương lai từ việc khai thác, thụ hưởng các nguồn thu từ việc kinh doanh các lô đất được phân lô của dự án Golden Hills City và Dự án Vệt 50m tại Đà Nẵng; quyền tài sản và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai từ dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại Tỉnh Ninh Thuận và toàn bộ Quyền và lợi ích hợp pháp từ phần vốn góp của doanh nghiệp này theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Điện Mặt Trời Trung Nam.

Đơn vị nhận thầu cho hai đợt phát hành trái phiếu này là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và CTCP Chứng khoán MB (MBS). Được biết, MBS đóng vai trò là tổ chức tư vấn phát hành và đại lý phát hành. Trong khi đó, MBB là bên đại lý lưu ký và đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

Dữ liệu của Nhadautu.vn, Trung Nam Group được thành lập từ năm 2004. Sau 14 năm hoạt động với các lĩnh vực thủy điện, xây dựng, bất động sản... vốn điều lệ của công ty này hiện nay là 2.724 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Tâm Thịnh. Theo số liệu do Trung Nam Group cung cấp thì công ty này gồm 3 cổ đông sáng lập là: ông Nguyễn Tâm Thịnh góp 2.544 tỷ đồng (tương đương 93,39%); ông Đặng Công Huẩn và bà Nguyễn Phan Sophie mỗi người góp 90 tỷ đồng (tương đương 3,3%).

Hiện tại, Trung Nam Group đang sở hữu 2 nhà máy điện mặt trời là Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh – quy mô 3.500 tỷ (Trungnam Tra Vinh Solar Power) và Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam (CTCP Điện mặt trời Trung Nam).

Ngày 27/4/2019, Trung Nam Group đã khánh thành tổ hợp trang trại Năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại xã Bắc Phong và xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận).

Được biết, tổng diện tích vùng dự án năng lượng của Trung Nam Group thực hiện tại Ninh Thuận có diện tích 900hecta, cụ thể: Trang trại điện gió có tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, trang trại điện mặt trời có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng và quy mô lắp đặt 705.000 pin mặt trời.

Ở giai đoạn 1, nhà máy điện gió Trung Nam gồm: 17 trụ, công suất 39.95 MW, đạt sản lượng khai thác 110 triệu kWh/năm. Dự kiến đến Quý IV/2019, giai đoạn 2 dự án sẽ có thêm 16 trụ, công suất 64 MW và đạt sản lượng khai thác 179 triệu kWh/năm. Giai đoạn 3 dự kiến hoàn tất trong năm 2020 sẽ 12 trụ, công suất 48 MW và đạt sản lượng khai thác 134 triệu kWh/năm.

Dòng tín dụng liên quan tới Ngân hàng TMCP Quân Đội

Việc MBB và MBS (công ty con MBB) nhận thầu 2 đợt phát hành trái phiếu khiến giới đầu tư đồn đoán về khả năng MBB là trái chủ lô trái phiếu 3.045 tỷ kể trên.

Tất nhiên đó chỉ là phỏng đoán. MBS và ngân hàng mẹ MBB có thể chỉ đóng vai trò phân phối cho lô trái phiếu “khủng” của nhóm Trung Nam. Tuy nhiên nếu MBB đứng ra với vai trò trái chủ thì đây cũng không phải diễn biến bất ngờ, bởi nhà băng này đã là đối tác tín dụng quen thuộc, đồng hành cùng CTCP Trung Nam suốt nhiều năm qua.

Dự án Golden Hills (phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài – Khu vực tiếp giáp về phía Tây Bắc đường Nguyễn Lương Bằng đến cầu Nam Ô là những tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu đang đề cập, cũng đã được cầm cố tại MBB chi nhánh Sở giao dịch 2 từ giữa năm ngoái.  

Ngoài ra, CTCP Trung Nam cũng trong thời gian này đã thế chấp MBB chi nhánh Sở giao dịch 2 phần vốn góp hình thành từ hợp đồng hợp tác đầu tư giữa CTCP Trung Nam và CTCP Điện mặt trời Trung Nam về việc hợp tác đầu tư, xây dựng và kinh doanh Dự Án Nhà Máy Điện Mặt Trời Trung Nam. Đây cũng là tài sản bảo đảm thuộc lô trái phiếu được đề cập.  

Vào tháng 10/2018, Công ty tiếp tục thế chấp Công trình văn phòng và Trung tâm thương mại DITP thuộc dự án Vệt 50m tại MBB chi nhánh Nam Đà Nẵng.

Tập đoàn Trung Nam bén duyên với mảng bất động sản vào năm 2008 với dự án đầu tiên là xây dựng tòa nhà Trung Nam tại số 7A/68 Thành Thái, phường 14, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, dự án đã đi vào hoạt động vào ngày 20/3/2010.

Sau đó, Trung Nam nổi lên với 3 siêu dự án lớn đó là khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, và 2 dự án ở Đà Nẵng là dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 4.447 tỷ đồng và dự án Tháp đôi Viễn Đông Meridian vốn đầu tư 2.880 tỷ đồng 

Tuy nhiên, Trung Nam dường như không có duyên với lĩnh vực này khi những dự án hoành tráng một thời đã trở thành tai tiếng.

Được biết, dự án Tháp đôi Viễn Đông Meridian đã được Trung Nam Group thoái hết vốn vào ngày 20/1/2011, trong khi đó dự án Golden Hills vẫn đang tiếp tục lỡ hẹn sau nhiều năm.

Ngoài ra, Trung Nam Group cũng được biết đến là nhà đầu tư siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ cho TP.HCM. Cụ thể vào tháng 4/2016, Trung Nam Group đã chính thức được TP.HCM cấp giấp chứng nhận thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM với số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng.

Đây là dự án được Chính phủ ưu đãi hỗ trợ cấp vốn cho TP.HCM, được hưởng lãi suất vay 2% và thu phí 1%, thời hạn vay 10 năm, trong đó có 3 năm ân hạn không trả lãi. Theo hợp đồng, UBND TP.HCM sẽ thanh toán cho chủ đầu tư 16% giá trị bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.

Thủ tướng cũng đã đồng ý cho UBND TPHCM áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bằng hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, UBND TP được thanh toán bằng ngân sách.

 

Theo Hóa Khoa/Nhà Đầu tư

Tin liên quan