Ai ký cho TISCO vay cả ngàn tỷ tại Vietinbank Chi nhánh Hà Nội?

Bằng hình thức “thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay”, Vietinbank CN Hà Nội đã cho Tisco vay hơn 1.600 tỷ đồng để thực hiện DA Mở rộng sản xuất dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên – GĐ 2.

Dự án Tisco II sai phạm ra sao?

Tháng 2/2019, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra tại Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO II) và chỉ ra một loạt sai phạm trong quá trình đầu tư, dẫn tới thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Cụ thể, dự án này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2005, giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư được HĐQT VNS phê duyệt là 3.843 tỷ đồng, gồm hai gói thầu chính: Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224 tỷ đồng và gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Sau ký hợp đồng, MCC được tạm ứng 35,6 triệu USD; tiếp đó TISCO và MCC ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký.

Đến ngày 15/5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 8.104.907,173 triệu đồng (tăng 4.261.000 triệu đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Kết luận thanh tra nêu rõ, chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421.522 triệu đồng; tổng dự nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896.838 triệu đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD 92,89%) nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.

TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ôtô là 1,033 triệu USD, 5 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...). Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.

Từ sai phạm các dự án, thanh tra chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm lên tới hàng nghìn tỉ đồng, gồm thu hồi khoản tiền thanh toán cho MCC số tiền hơn 13 triệu USD; xử lý số tiền thanh toán sai cho các nhà thầu phụ hơn 876 tỉ đồng, gần 10 tỉ đồng chi cho việc tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TISCO, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan của Chính phủ… kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Theo đó, ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng (giai đoạn 2007-2016), chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thủ tướng đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án Tisco II.

Mới đây, ngày 10/1/2020, Bộ Chính trị kết luận, những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của ông Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Hải, đến mức cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng. Từ đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải bằng hình thức cảnh cáo.

Sai phạm tại TISCO:

1. Nâng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỉ đồng không có căn cứ.

2. Thành lập Ban quản lý Dự án không đủ năng lực.

3. Phê duyệt hồ sơ mời thầu, nhà thầu (MCC), điều chỉnh gói thầu EPC từ hơn 143 triệu USD lên gần 161 triệu USD không đúng theo Luật Đấu thầu.

4. MCC vi phạm hợp đồng, không hoàn thành hợp đồng. Song TISCO không phạt MCC.

Sai phạm tại Tổng Công ty thép Việt Nam VNS:

1. Thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu cơ sở

2. Thiếu kiểm tra, giám sát với TISCO

3. Không chỉ đạo TISCO phạt MCC vì vi phạm hợp đồng.


Ai thẩm định tính hiệu quả dự án TISCO 2 cho vay tới cả ngàn tỷ đồng?

Số dư vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn quý 3/2019 tiếp tục giảm so với BCTC hợp nhất Quý 2/2019. Tại thời điểm 30/6/2019, vay nợ ngắn hạn của TISCO là 2.674 tỷ đồng và vay nợ dài hạn là 2.593 tỷ đồng. Cụ thể, các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh gồm 1.865 tỷ đồng vay ngắn hạn, 368,5 tỷ đồng vay dài hạn và 606,4 tỷ đồng vay quá hạn.

Khoản vay quá hạn là các hợp đồng vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Các khoản vay liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 gồm 809,5 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.225 tỷ đồng vay dài hạn và 434,8 tỷ đồng vay quá hạn. Khoản vay quá hạn là khoản vay ngân hàng phát triển (VDB) khu vực Bắc Cạn – chi nhánh Thái nguyên theo hợp đồng số 21/2006/HĐTD ngày 13/5/2006.

Dư nợ gốc vay dài hạn các khoản vay liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2 tại 31/12/2018 tại VDB – chi nhánh Thái Nguyên là 1.135 tỷ đồng và Vietinbank – chi nhánh Hà Nội là gần 1.900 tỷ đồng, nợ dài hạn đến hạn trả là 809 tỷ đồng chủ yếu là khoản nợ tại VDB (807 tỷ đồng). Như vậy, Vietinbank, VDB là 2 ngân hàng đang mắc kẹt hàng nghìn tỷ đồng cho vay tại TISCO.

Để có những khoản vay này, VNSteel đã phải đứng ra kí nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng cho TISCO II với Vietinbank, và đây chính là vướng mắc lớn nhất khiến tổng công ty này nhùng nhằng chưa thể thực hiện kế hoạch thoái hết vốn Nhà nước tại TISCO theo chủ trương của Chính phủ…

Được biết, Vietinbank đã bán khoản nợ của TISCO sang Công ty VAMC. Tuy nhiên, theo quy định phân loại nợ xấu, việc bán nợ xấu này đã khiến cho hàng loạt khoản nợ khác của TISCO đối mặt nguy cơ chuyển hết sang nợ nhóm 5 – có nguy cơ mất vốn. Thời điểm đó, Gang thép Thái Nguyên đang vay nợ ở 3 ngân hàng khác gồm MBbank, BIDV và INDOVINA với dư nợ duy trì khoảng 10.600 đến 10.800 tỉ đồng.

Khoản nợ xấu nghìn tỉ của TISCO II được “đẩy sang” VAMC chỉ là phần rất nhỏ trong khối nợ xấu lên tới hơn 40.000 tỉ đồng mà Vietinbank khó thu hồi, phải “gửi tạm” sang VAMC trong bối cảnh nhà băng này đang chịu áp lực tăng vốn, lợi nhuận lao dốc không phanh 50% do tập trung cho vay lĩnh vực rủi ro quá lớn, quản trị tín dụng yếu kém…

Thời điểm năm 2010 khi Vietinbank cấp khoản tín dụng nghìn tỉ cho TISCO II dưới sự bảo lãnh của VNSTeel, ông Phạm Huy Hùng đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho đến khi rời ghế năm 2014 để về hưu.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Thắng làm Giám đốc Vietinbank chi nhánh Hà Nội đã ký hợp đồng số 01/HĐTD-TISCO ngày 25/1/2010 để cho Công ty Gang thép Thái Nguyên vay hơn 1.600 tỷ đồng thực hiện Dự án mở rộng dự án giai đoạn 2.

Ai ký cho TISCO vay cả ngàn tỷ tại Vietinbank Chi nhánh Hà Nội? - Ảnh 1

Lãnh đạo Vietinbank – Chi nhánh Hà Nội vào thời điểm năm 2010 là ông Nguyễn Văn Thắng - hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Được biết, phương thức đảm bảo cho khoản vay là “tài sản hình thành từ vốn vay". Khoản tiền này giờ trở thành nợ xấu, nằm trong nhóm "nợ có khả năng mất vốn"

Theo tìm hiểu, hiện ông Nguyễn Văn Thắng đang là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, tháng 1/2010 đến tháng 5/2011, ông Thắng là Giám đốc VietinBank chi nhánh thành phố Hà Nội. Từ tháng 6/2011 đến ngày 25/12/2011, ông là thành viên hội đồng quản trị, Quyền Tổng giám đốc VietinBank. Từ ngày 26/12/2011 đến ngày 28/4/2014, ông là thành viên hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VietinBank. Ngày 29/4/2014, ông Thắng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank.

Ngày 13/7/2018, ông Thắng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII (nhiệm kỳ 2016 - 2021) với số phiếu đạt 66/67 phiếu.

Mới nhất, ngày 5/7/2019, ông Thắng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016-2021.

Vậy ông Thắng có chịu trách nhiệm gì trong thương vụ cho TISCO vay gần 2.000 tỷ đồng thời điểm 2010 không? Vietinbank – Chi nhánh Hà Nội khi đó có được phép cho vay hạn mức tới cả ngàn tỷ đồng không? Ai đã thẩm định tính hiệu quả của dự án TISCO 2? Khoản nợ xấu này phải giải quyết thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

 

Theo Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu tri tuệ

Link gốc: https://sohuutritue.net.vn/ai-ky-cho-tisco-vay-ca-ngan-ty-tai-vietinbank-chi-nhanh-ha-noi-d68940.html