Ấn định thời gian khởi công dự án nghìn tỷ kết nối ba quận của thành phố đông dân nhất Việt Nam

Dự án được kỳ vọng sẽ là “chìa khoá” giải quyết tình trạng tắc đường khu vực kết nối các quận 7,4 và quận 1.

Thông tin về tiến độ thực hiện dự án, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. HCM cho biết, từ quý I đến quý IV năm nay sẽ lập, thẩm định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án ; thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật.

Dự kiến, việc khởi công xây dựng, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tổ chức thi công, nghiệm thu, hoàn thành công trình đưa vào khai thác từ quý IV/2024 đến năm 2027 và trình phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án vào năm 2028.

Phối cảnh dự án xây dựng cầu - đường Nguyễn Khoái 
Phối cảnh dự án xây dựng cầu - đường Nguyễn Khoái 

Dự án xây dựng cầu - đường Nguyễn Khoái (kết nối các quận 7,4 và quận 1) có tổng mức đầu tư khoảng 3.735 tỷ đồng, thực hiện bằng ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.264 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 1.748 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM làm chủ đầu tư.

Cầu - đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài khoảng 2,5km; phần đường dài hơn 2,3km; các nhánh cầu dẫn có tổng chiều dài hơn 1,3km.

Nhánh cầu chính sẽ xây dựng cầu vượt kênh Tẻ, tiếp tục đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái, sau đó vượt rạch Bến Nghé để kết nối vào đường Võ Văn Kiệt theo hai nhánh cầu riêng biệt N7 và N8.

Dự án có 8 cầu bộ hành kết nối với các tuyến đường. Theo đại diện Sở GTVT TP. HCM, hiện nay các tuyến đường từ khu vực phía Nam vào trung tâm TP. HCM đang trong tình trạng ùn ứ nghiêm trọng. Các trục đường chính như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, đường Phạm Hùng… thường xuyên bị ùn ứ, dù là giờ thấp điểm.

Vì vậy, cầu - đường Nguyễn Khoái vượt kênh Tẻ và kênh Bến Nghé (theo trục đường Nguyễn Khoái - D1) sau khi hoàn thành sẽ tạo thành trục đường chính kết nối khu Nam với khu trung tâm TP. HCM. Công trình góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cầu kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu chữ Y... hiện hữu.

Đồng thời, công trình này từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày càng tăng cao…

TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố này hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095km2.

Đây cũng là thành phố lớn nhất Việt Nam (gần 8,9 triệu người) về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam.

Phương Hà

Theo Chất lượng và cuộc sống