An Phát Holdings: Cổ phiếu vẫn chưa thoát diện cảnh báo, hàng loạt lãnh đạo rời đi
Bước sang năm 2025, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH) lên kế hoạch lợi nhuận ròng năm nay chỉ bằng 48% so với năm ngoái với 60 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này đã trải qua một cuộc thay máu khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao đã rời đi, trong đó có cả ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT.
Bước sang năm 2025, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH) lên kế hoạch lợi nhuận ròng năm nay chỉ bằng 48% so với năm ngoái với 60 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này đã trải qua một cuộc thay máu khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao đã rời đi, trong đó có cả ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT.
![]() |
“Cài số lùi” cho kế hoạch kinh doanh
CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (Mã: APH) vừa công bố thông tin về ngày chốt quyền họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 là 26/2, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/2.
Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được tập đoàn công bố sau.
Buổi họp thường niên sắp tới sẽ thông qua các nội dung như: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và kế hoạch kinh doanh năm 2025; Báo cáo hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025; Thông qua báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán; Mức thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2025; Phương án phân phối lợi nhuận năm 2024;...
Năm 2024, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.193 tỷ đồng, lãi sau thuế 308 tỷ đồng; tăng lần lượt 2% và 41% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) gấp gần 3,6 lần lên 124 tỷ.
Tính riêng quý IV, doanh thu của tập đoàn tăng 21% so với cùng kỳ lên 3.845 tỷ song lãi sau thuế giảm 20% còn 32 tỷ đồng do tăng mạnh chi phí bán hàng.
Dù có lãi lớn năm 2024 nhưng tính tới cuối năm ngoái, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của APH vẫn còn âm 95 tỷ đồng và cổ phiếu APH vẫn thuộc diện bị cảnh báo.
HĐQT An Phát Holdings đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất là 14.000 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm 2024. Còn kế hoạch lợi nhuận ròng năm nay chỉ bằng 48% so với năm ngoái với 60 tỷ đồng. EPS năm 2025 dự báo khoảng 246 đồng.
![]() |
Biến động nhân sự cấp cao
Một trong những biến động lớn nhất của An Phát trong năm qua đó là việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao đã đồng loạt thoái vốn và rời đi.
Trong đó, đáng chú ý là việc ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT đã thông báo đã bán 6,67 triệu cổ phiếu APH trên tổng số 11,87 triệu đơn vị đăng ký trước đó.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 6/9 đến 24/9/2024. Nguyên nhân không bán hết là do thị trường không thuận lợi.
Sau giao dịch trên, ông Dương đã giảm sở hữu từ 11,87 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 4,87%) xuống còn 5,2 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 2,13%). Ngay sau đó, ông Dương tiếp tục đăng ký bán nốt toàn bộ số cổ phiếu này. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh/thoả thuận trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến 30/10.
Cùng với việc đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu APH đang nắm giữ, ông Phạm Ánh Dương cũng đã gửi đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, đồng thời từ nhiệm thành viên HĐQT của An Phát Holdings với lý do cá nhân, không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ.
Điều đáng nói là ngoài ông Dương, nhiều lãnh đạo của An Phát Holdings cũng đã bán ra lượng lớn cổ phiếu thời gian qua như: ông Phạm Đỗ Huy Cường, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, đã bán 750.000 cổ phiếu APH; bà Nguyễn Thị Tiện, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Phó Tổng giám đốc, đã bán 750.000 cổ phiếu; bà Trần Thị Thoản, Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu đang nắm giữ; bà Hoà Thị Thu Hà, Phó Giám đốc phụ trách tài chính, cũng bán ra 500.000 cổ phiếu.
Mới đây nhất, An Phát Holdings cũng thông báo đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Lim Heon Young, Thành viên độc lập Hội đồng quản trị (HĐQT). Trong đơn từ nhiệm, ông Lim Heon Young cho biết ông đã đảm nhận vai trò Thành viên độc lập HĐQT tại An Phát Holdings từ tháng 6/2021, với khoảng thời gian công tác kéo dài 3 năm 8 tháng. Tuy nhiên, do có định hướng phát triển cá nhân riêng, ông không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trước thời điểm ông Lim Heon Young từ nhiệm, HĐQT của An Phát Holdings bao gồm 5 thành viên, trong đó ông Nguyễn Lê Thăng Long giữ chức Chủ tịch, người mới được bổ nhiệm vào tháng 10/2024.
Cổ phiếu chưa thoát diện cảnh báo
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu APH của An Phát Holdings đã bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 10/4/2024, theo quyết định của HOSE, vì lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2023 âm 171,05 tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, An Phát Holdings cho biết sẽ phải giảm dần lỗ lũy kế nói trên qua kết quả kinh doanh.
![]() |
Mới đây, doanh nghiệp cũng đã có thông báo giải trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Theo đó, APH cho biết, theo BCTC hợp nhất quý IV/2024 tự lập, lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 là hơn 51 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là hơn 32 tỷ đồng nên tính đến thời điểm cuối năm 2024, số lỗ lũy kế của công ty đã giảm, còn lỗ hơn 95 tỷ đồng.