Áp lực từ thuế quan Mỹ: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có đổi hướng?

Chính sách thuế quan 46% của Mỹ đối với một số mặt hàng xuất khẩu gây lo ngại về sự bền vững của dòng vốn FDI. Tuy nhiên, với nền tảng tốt, Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, phản ánh sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế và môi trường kinh doanh, dù có những thách thức từ chính sách thuế quan Mỹ.

Áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ

Chính quyền Mỹ đã áp dụng mức thuế đối kháng 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, bao gồm sản phẩm dệt may, da giày, thiết bị điện tử và linh kiện công nghệ cao.

Động thái này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về tính bền vững của dòng vốn FDI vào Việt Nam và tìm đến quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hoặc các nước ASEAN khác. Khi chi phí xuất khẩu tăng cao, các tập đoàn lớn có thể cân nhắc dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác trong khu vực.

Áp lực từ thuế quan Mỹ: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có đổi hướng? - Ảnh 1

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia và báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức thuế này chưa thể làm suy giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam ngay lập tức.

Các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao những lợi thế của Việt Nam như chi phí lao động cạnh tranh, hạ tầng sản xuất phát triển và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: "Để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, ổn định chính sách là yếu tố then chốt, vì các nhà đầu tư lớn cần một môi trường kinh doanh có rủi ro thấp và có thể dự đoán được".

"Để duy trì sức hấp dẫn đầu tư và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI trong các ngành công nghệ cao, đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng số và logistics, đồng thời tăng cường các chính sách ưu đãi có chọn lọc tập trung vào các ngành công nghiệp có giá trị cao và bền vững", ông Vinh nói thêm.

Ông Denzel Eades, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam cho, rằng cải thiện quy trình hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan và nâng cao tính minh bạch trong chính sách là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì sức hấp dẫn đầu tư.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng sự trỗi dậy của blockchain, AI và tiền kỹ thuật số là bằng chứng cho thấy tương lai sẽ ngày càng được định hình bởi những tiến bộ công nghệ. Do đó, một quốc gia có đầu tư công nghệ mạnh mẽ sẽ có lợi thế đáng kể.

Những phân tích của chuyên gia đến từ Chứng khoán SHS cũng chỉ ra rằng, không cần phải lo ngại về chuyện doanh nghiệp FDI sẽ rời bỏ Việt Nam. Mỗi quốc gia đều có ưu và nhược điểm riêng, không phải nơi nào cũng có thể ngay lập tức thay thế Việt Nam.

Áp lực từ thuế quan Mỹ: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có đổi hướng? - Ảnh 2
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 2 tháng đầu qua các năm. (Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính).

Với xu hướng bảo hộ của Mỹ – Không có nơi nào thực sự an toàn. Điều này có nghĩa là không có “vùng an toàn” tuyệt đối. Quan trọng hơn, chính sách thương mại của Mỹ không chỉ nhắm vào Việt Nam mà hướng đến tất cả các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Vì vậy, việc chuyển địa điểm không loại trừ được rủi ro thuế quan, mà chỉ phân tán rủi ro. Các doanh nghiệp thay vì chạy theo điểm đến mới, cần xây dựng chiến lược đa thị trường, minh bạch trong hoạt động kinh doanh để thích ứng tốt hơn với chính sách thương mại ngày càng khó đoán.

Việt Nam thu hút dòng vốn FDI trước nhiều thách thức

Bất chấp những rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam vẫn khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Số liệu mới nhất từ Cục Thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2025, vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện cũng ghi nhận mức tăng 5,4%, đạt 2,95 tỷ USD, phản ánh niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Thay vì rút lui trước những bất ổn về thương mại, nhiều doanh nghiệp FDI đang áp dụng chiến lược đa dạng hóa thị trường. Theo báo cáo của AmCham Vietnam, 41% công ty tham gia khảo sát cho biết họ không có kế hoạch dịch chuyển nhà máy sản xuất khỏi Việt Nam mà đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Trong quý I năm 2025, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút gần 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất Việt Nam. Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 doanh nghiệp và ký thỏa thuận mở rộng dự án với 1 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, Hải Phòng đã thu hút 278 triệu USD vốn FDI, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực lên hơn 1.000 dự án với tổng vốn 34,31 tỷ USD. Thành phố đặt mục tiêu thu hút 4,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2025. Khu vực FDI hiện đóng góp hơn 86% giá trị xuất khẩu của Hải Phòng, cho thấy vai trò quan trọng của khu vực này trong nền kinh tế địa phương.

Trong quý I/2025, Hà Nam đã thu hút 500 triệu USD vốn FDI, đạt 50% mục tiêu cả năm (1 tỷ USD). Với chiến lược phát triển khu công nghiệp gắn với đô thị và dịch vụ, tỉnh đang tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng vận hành và phát triển.

Áp lực từ thuế quan Mỹ: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có đổi hướng? - Ảnh 3

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư hiện hữu, Việt Nam đang trở thành điểm đến cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Trong tháng 3 vừa qua, hai đoàn doanh nghiệp lớn từ Mỹ đã đến Việt Nam, trong đó có những "ông lớn" như Apple, Boeing, Intel, Amazon và Coca-Cola. Theo ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), số lượng doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp Mỹ vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Bên cạnh Mỹ, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm từ nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc. Các doanh nghiệp này đang mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực chiến lược như năng lượng, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số. Mới đây, nhà máy Lite-On tại Quảng Ninh với vốn đầu tư 690 triệu USD đã chính thức khởi công, trở thành một trong những dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Không dừng lại ở đó, nhiều tập đoàn toàn cầu khác cũng đang triển khai các kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam. SCG đã đầu tư 5 tỷ USD vào Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn và đang xúc tiến mở rộng thêm 400 triệu USD. Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch rót thêm 1,5 tỷ USD vào các dự án công nghệ sinh học và sợi carbon tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Quỹ đầu tư Warburg Pincus tiếp tục mở rộng dự án tại Hồ Tràm với tổng mức đầu tư 17.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một tập đoàn công nghệ lớn cũng đang lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, cho thấy sức hút ngày càng tăng của ngành công nghiệp công nghệ cao tại đây.

Các nhà đầu tư quốc tế cũng mong muốn Việt Nam đẩy nhanh cải cách chính sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thuế, thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư. Trong các cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất thiết lập cơ chế “một cửa” để xử lý nhanh chóng các vướng mắc pháp lý, cũng như cải thiện điều kiện đầu tư trong các lĩnh vực trọng điểm như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Với sự chủ động của Chính phủ trong cải cách và những lợi thế vốn có, Việt Nam tiếp tục khẳng định mình là điểm đến đầu tư hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á và trên bản đồ FDI toàn cầu.

Hải Lâm

Theo Vietnamfinance