Apple nhượng bộ để được bán điện thoại iPhone 16 ở Indonesia
Tập đoàn Apple có kế hoạch đầu tư một tỷ USD vào sản xuất tại Indonesia, sau khi Jakarta hạ lệnh cấm bán điện thoại iPhone 16 hồi tháng 10.
Hôm 5/12, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia, ông Rosan Roeslani, xác nhận Apple có kế hoạch xây nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại thông minh, sản phẩm khác tại xứ vạn đảo. Vốn đầu tư của dự án khoảng 1 tỷ USD.
Vị Bộ trưởng cho hay các bên đang thảo luận chi tiết về kế hoạch đầu tư. "Hy vọng mọi thứ sẽ được công bố vào tuần tới sau khi chúng tôi nhận cam kết bằng văn bản từ họ", ông nói. Trong khi đó, Apple chưa đưa ra bình luận về dự án.
Vào tháng 10, Indonesia cấm kinh doanh điện thoại iPhone 16 vì cho rằng Táo Khuyết không tuân thủ quy định yêu cầu điện thoại bán tại xứ vạn đảo phải có ít nhất 40% linh kiện sản xuất trong nước.
Jakarta thông báo họ sẽ tăng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa. "Ai hưởng lợi từ việc bán hàng thì phải đầu tư, tạo việc làm tại đây. Điều quan trọng là chuỗi giá trị toàn cầu phải chuyển dịch đến đây, bởi khi viễn cảnh ấy xảy ra, các nhà cung cấp sẽ theo sau", ông Rosan nói tuần trước.
Hiện tại tập đoàn Apple không có cơ sở sản xuất tại Indonesia. Tuy nhiên, từ năm 2018, họ đã thiết lập các học viện đào tạo nhà phát triển ứng dụng tại đây.
Tuần trước, chính phủ Indonesia từ chối một đề xuất đầu tư trị giá 100 triệu USD của Apple để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện và phụ kiện, vì cho rằng mức đầu tư này không đủ để dỡ bỏ lệnh cấm điện thoại iPhone 16.
Không chỉ điện thoại iPhone 16, chính phủ Indonesia cũng cấm bán điện thoại Google Pixel với lý do tương tự vào tháng 11, dù Google nói họ không phân phối chính thức ở đây.
Cả Google và Apple đều không phải là những hãng điện thoại thông minh hàng đầu tại Indonesia. Tính đến tháng 10, Apple nắm gần 12% thị phần, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, theo hãng dữ liệu trực tuyến Statista (Đức). Dù tụt hậu so với các đối thủ Oppo, Samsung, Xiaomi và Vivo, nhưng thị phần của Apple tăng trưởng đều đặn từ 2015.
Với dân số 280 triệu người, Indonesia có thị trường tiêu dùng rộng lớn. Đây cũng là thị trường mục tiêu quan trọng cho các khoản đầu tư liên quan đến công nghệ tại Đông Nam Á, theo Reuters.