Bà chủ Đại Nam nói sự thật đau lòng: Lời cảnh tỉnh
Nhiều gia đình rất giàu có nhưng thực tế đã rơi vào bất hạnh, vướng phải tù tội...
Câu chuyện của bà Nguyễn Phương Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, CEO của Công ty cổ phần Đại Nam đã vượt qua lòng tự tôn, tự trọng, vượt qua con mắt của xã hội, vượt qua những lời xì xầm trong giới làm ăn để công khai một sự thật đau lòng về con trai mình. Đó là con trai bà hư, đã dính phải cá độ, vay nặng lãi, bà phải công bố, đồng thời đưa ra lời cảnh báo không bao che, không tiếp tay để con trai không ỉ lại, mong là có thể cứu được con đã nhận được sự ủng hộ từ dư luận xã hội.
Con trai đại gia Thiện "soi" cũng bị bắt với vai trò tòng phạm. Ảnh: VNN |
Từ quan sát thực tế, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra, đó chỉ là một trong số ít những quý tử con nhà giàu bị sa ngã, lôi kéo. Thực tế còn rất nhiều cậu ấm, cô chiêu, con đại gia, nhà giàu đã vướng phải vòng lao lý, vi phạm pháp luật nhưng không có nhiều trường hợp lựa chọn cách công khai như bà Hằng mà thôi.
Để chứng minh, ông lấy ví dụ việc thiếu gia ngành thép ở Hải Phòng uống rượu, lái xe Lexus rồi đâm tử vong nữ trung úy công an và làm hỏng 4 ô tô.
Hay mới đây là con trai ông Lê Thái Thiện - tức Thiện "Soi", chủ căn biệt thự dát vàng tại Bà Rịa-Vũng Tàu mới 20 tuổi đã bị bắt giữ với vai trò đồng phạm của ông Thiện về hành vi "rửa tiền" và "cho vay nặng lãi".
"Hiện tượng trên càng chứng minh một nghịch lý: Nhiều người Việt có giàu nhưng chưa sang", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, có sự tồn tại của nghịch lý trên là do sự nhầm tưởng giữa trọc phú, con buôn với doanh nhân.
Ông khẳng định, ở Việt Nam có không ít những trường hợp kế thừa, những gia tộc kinh doanh chân chính, đi lên từ lao động sản xuất, tích lũy tài sản, tạo ra được những giá trị gia tăng, tạo được công ăn việc làm, đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của nền kinh tế nước nhà. Đó chính xác là những người làm kinh doanh, họ là những doanh nhân thực thụ.
Những người như vậy, họ không có thời gian và cũng không thích khoe mẽ tiền bạc, của nả; cùng với đó, họ cũng chú trọng và việc giáo dục, đào tạo con cái, tạo cho con cái một nền tảng kế thừa cả về điều kiện, trình độ, kinh nghiệm và tư chất ngay từ nhỏ. Những điểm sáng kế thừa ở Việt Nam vẫn có nhưng chưa nhiều và đang bị lấn lướt bởi những người giàu mới nổi.
Ông Tiến cho rằng, sự giàu lên quá nhanh, quá dễ, giàu theo con đường đào, bán tài nguyên, buôn gian, bán lậu, thậm chí là làm ăn phi pháp đã tạo ra tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá. Từ chỗ chạy đua để làm giàu, cha mẹ chỉ biến đến tiền, coi đồng tiền là tất cả nên đã xem nhẹ giá trị đạo đức, xem nhẹ việc giáo dục, dạy dỗ con cái, thay vào đó, còn lấy đồng tiền để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Thậm chí, do kiếm tiền quá dễ, quá nhanh mà có trường hợp bố, mẹ lại tạo điều kiện, dung túng cho con cái, dẫn dắt con cái đi vào con đường sai trái, nghiện hút, cờ bạc, lô đề như trường hợp của Thiện "soi" là một ví dụ điển hình. Vì điều này, có nhiều gia đình rất giàu có nhưng thực tế đã rơi vào bất hạnh, vướng phải tù tội.
Rồi lại có những bố mẹ cho tiền, cho xe, cho nhà, tạo cho con cái thói quen ỉ lại, dựa dẫm vào tài sản do cha mẹ tạo dựng dần sinh hư, ăn chơi trác táng.
"Tôi còn được biết con cái của nhiều ông có chức, có quyền cũng không thể kế thừa được tài năng, trí tuệ do được quá nuông chiều thay vào đó lại dễ dàng nhiễm phải thói hư tật xấu, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Giàu mà để con cái hư thì không phải sang mà giàu lại chính là hèn", ông Tiến chia sẻ.
Rồi lại có những người như Nguyễn Thị Dương - Nguyễn Xuân Đường (Thái Bình) làm ăn theo con đường phi pháp, bảo kê cờ bạc, cho vay nặng lãi... nhưng vẫn thích khoa trương, khoe khoang núi tiền, khoe thói ăn chơi khét tiếng trên mạng. Hay những đại gia khoe dinh thự, khoe sự sa hoa như đại gia kiêm trùm ma tuý Tàng Keangnam, đại gia Cà Mau Tô Công Lý, Trùm buôn gỗ khét tiếng Bắc Ninh... nhưng cuối cùng vẫn bị xộ khám vì vi phạm pháp luật. Ông Tiến cho rằng, khi bố, mẹ bị chìm đắm trong cơn say kiếm tiền, lại kiếm tiền bằng con đường không chính đáng trong khi con cái được tiếp xúc với đồng tiền và chỉ biết đến tiền từ rất sớm nhưng lại không được giáo dục tới nơi tới chốn nên cũng dần bị mất đi khả năng phòng vệ, đồng thời cũng bị nhiễm chính thói hư tật xấu của bố, mẹ mà lười biếng, biến chất, dễ bị dụ dỗ, sa ngã hơn.
"Câu chuyện của con trai bà Phương Hằng chính là một lời cảnh tỉnh cho các ông bố, bà mẹ có chức, có quyền, có tiền nhìn nhận lại cách dạy dỗ, giáo dục con cái mình.
Nếu còn có những ông bố, bà mẹ say tiền, kiếm tiền bất chấp, sống ảo tưởng, thích dựa vào những danh tiếng hão, thích phô trương đô la - siêu xe - với chân dài và coi đó như tiêu chuẩn để chứng minh sự giàu có, thành đạt, coi đồng tiền là thước đó về giá trị đạo đức thì cuối cùng cũng phải trả giá và nhận về sự bất hạnh.
Còn dung túng, bao che, còn nuông chiều, chu cấp thì những hạt giống tạo ra không phải là "hạt giống đỏ" mà sẽ là những "hạt giống đen", "hạt giống lép"", ông Tiến cảnh báo.