Bà chủ kín tiếng của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hành trình “thâu tóm” Thuận Kiều Plaza
Thời gian qua, việc Thuận Kiều Plaza (nay là The Garden Mall) được cải tạo bên trong trở thành Bệnh viện dã chiến số 5 điều trị Covid-19 đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm lớn từ cư dân mạng. Tuy nhiên cũng có một thông tin không ít người quan tâm nhưng lại rất bí ẩn liên quan đến Thuận Kiều Plaza đó là “chủ nhân” đứng sau dự án này là ai?
Thuận Kiều Plaza từng “về tay” Vạn Thịnh Phát như thế nào?
Theo tìm hiểu, Thuận Kiều Plaza tọa lại tại khu đất gần 10.000m2 nằm ở trung tâm quận 5, TP Hồ Chí Minh và được xây dựng vào năm 1994. Khi đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) và Kings Harmony Int MTV của HongKong liên doanh xây dựng cao ốc thương mại này với tổng vốn đầu tư hơn 55 triệu USD.
Công trình gồm 3 tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe… Năm 1998 công trình này hoàn thành, nhưng không đưa vào khai thác sử dụng.
Sau gần 17 năm bị bỏ hoang, đến đầu năm 2014, Công ty CP đầu tư An Đông đã thỏa thuận mua lại Thuận Kiều Plaza, gồm những căn hộ chưa sử dụng và toàn bộ phần thương mại, từ liên doanh chủ đầu tư cũ (Công ty Kings Harmony Int’LTD Hồng Kông và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn). Giá trị thương vụ này khoảng 605 tỷ đồng.
Sau khi mua lại, An Đông đã thương lượng mua tiếp toàn bộ các căn hộ đã bán cho người dân. Theo đó, các đơn vị liên quan hiện đang làm thủ tục để đóng tiền sử dụng đất trước khi trình phương án sửa chữa và nâng cấp lên cơ quan chức năng. Đáng chú ý, Bà chủ đầy quyền lực của Công ty CP Đầu tư An Đông không ai khác chính là nữ đại gia kín tiếng Trương Mỹ Lan (chủ tịch của Vạn Thịnh Phát).
Năm 2017, Thuận Kiều Plaza chính thức được xây sửa lại và đổi tên thành The Garden Mall. Về cấu trúc, The Garden Mall vẫn giữ nguyên mẫu của Thuận Kiều Plaza và thay đổi công năng chỉ gồm 3 phân khu: Không gian tổ chức sự kiện, trung tâm giải trí – ẩm thực, căn hộ cho thuê.
The Garden Apartment với 3 tòa tháp cao 33 tầng, 648 căn hộ được thay màu xanh tơi so với hình ảnh được ví như “3 cây nhang” thì nay được chuyển thành “ba cây trúc” với màu xanh nổi bật.
Về phía Vạn Thịnh Phát, được biết năm 2007 doanh nghiệp đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.
Thông tin về Đầu Tư An Đông cũng khá hiếm hoi và ít ỏi. Trên Website chính thức của Vạn Thịnh Phát giới thiệu Đầu tư An Đông là đối tác đầu tư và chỉ có vỏn vẹn một dòng duy nhất “địa chỉ tại số 18 đường An Dương Vương, quận 5, TP Hồ Chí Minh”
Với dự án Thuận Kiều Plaza, thời điểm sau khi được An Đông mua lại đã rộ lên thông tin chủ đầu tư mới sẽ phá bỏ hoàn toàn dự án để xây dự án mới với kinh phí phá dỡ ước tính lên đến 60 tỷ. Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Dũng – phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư An Đông thời điểm đó đã khẳng định, sau gần 20 năm đưa vào hoạt động, một số hạng mục của dự án đã xuống cấp, trong khi một số hạng mục khác không còn phù hợp với nhu cầu thực tế nên cần phải sửa chữa, nâng cấp toàn diện. Hiện công ty đang xây dựng các phương án sửa chữa, nâng cấp toàn tòa nhà này để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trong khu vực cũng như đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư.
“Chúng tôi vẫn đang xây dựng phương án trước khi trình cơ quan chức năng nên chưa có thông tin cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ chỉ cải tạo, nâng cấp chứ không phá dỡ công trình này”, ông Dũng khẳng định.
Những vụ cháy liên hoàn đã “đặt dấu chấm hết” cho Thuận Kiều Plaza?
Được biết, theo thiết kế, Thuận Kiều Plaza được xây dựng nhằm chào đón những cư dân từ Hồng Kông chuyển đến sinh sống tại TP Hồ Chí Minh nên những căn hộ bên trong cao ốc này đều được thiết kế theo đúng phong cách của người Hồng Kông, không gian ngột ngạt, nóng bức, diện tích hẹp, trần hạn chế.
Sở dĩ cao ốc có phong cách này vì nhà đầu tư muốn đón đầu lượng người Hồng Kông di cư vào TP Hồ Chí Minh khi đặc khu này được trả lại Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, chính sách thông thoáng khi tiếp nhận khiến người Hồng Kông ở lại quê hương, việc xây Thuận Kiều để đón đầu coi như thất bại.
Ngoài ra, gần 30 năm qua, Thuận Kiều Plaza thường gắn với lời đồn thổi là tòa nhà “3 cây nhang” giữa lòng Sài Gòn và những câu chuyện ma mị bí ẩn khiến nhiều người cho rằng đấy là nguyên nhân dẫn đến tòa cao ốc không bán được căn hộ. Hiện tại khu chung cư chỉ còn mười mấy hộ sinh sống ở một tòa tháp, trong đó đa phần là cho thuê, hai tòa tháp còn lại hoàn toàn không còn hộ dân nào sinh sống; bên cạnh đó khu trung tâm thương mại cũng chỉ còn lại vài gian hàng thuê rồi dọn đi vì buôn bán ế ẩm…
Chưa dừng lại ở đó, sau nhiều năm hoạt động, chung cư Thuận Kiều Plaza đã có những dấu hiệu xuống cấp thấy rõ. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vụ cháy tại dự án này.
Còn nhớ thời điểm năm 2004 Vụ hỏa hoạn đầu tiên xảy ra tại tầng 1 của nhà hàng hải sản Thuận Kiều. May mắn, vụ cháy không gây thiệt hại lớn do lực lượng Công an và dân phòng địa phương khống chế ngọn lửa trong vòng 15 phút.
Đến cuối năm 2009, tại Thuận Kiều Plaza tiếp tục xảy ra một vụ hỏa hoạn khác. Thời điểm này, khói lửa bốc ra nghi ngút tại khu vực nhà bếp thuộc doanh nghiệp nhà hàng hải sản Thuận Kiều ở tầng 2 và nhanh chóng lan sang một số khu vực kế cận. Phải đến khi có sự xuất hiện của xe cứu hỏa thì mọi người bên trong mới hốt hoảng chạy ra ngoài.
Tuy vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng kể từ đó đã đặt dấu chấm hết cho Thuận Kiều Plaza vì lượng khách đến trung tâm ngày một thưa vắng. Hoạt động kinh doanh ế ẩm, đìu hiu vì ít khách. Số hộ dân sống ở đây cũng dần trở nên thưa thớt, các hộ thi nhau rao bán nhà nhưng vắng khách mua.
Bà chủ thực sự “đứng sau” Thuận Kiều Plaza là ai?
Như đã đề cập ở trên, sau hàng chục năm bỏ hoang vì kinh doanh thất bại từ điểm thiết kế, cao ốc Thuận Kiều Plaza được bán lại cho Công ty Cổ phần đầu tư An Đông (Công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan.
Bà Trương Mỹ Lan được biết đến là một nữ đại gia lừng lẫy trong giới bất động sản. Sau khi mua lại, đại gia địa ốc Trương Mỹ Lan đã rót không ít tiền đầu tư để xây dựng và sửa chữa Thuận Kiều Plaza: đổi tên thành The Garden Complex, Thuận Kiều Plaza, “khoác màu áo mới” cho tòa nhà,..
Năm 2011 bà Lan và Vạn Thịnh Phát đã gây chú ý khi 3 ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa tiến hành hợp nhất với nhau. Mặc dù không xuất hiện chính thức, nhưng bà Lan và Vạn Thịnh Phát được cho là nhóm cổ đông chính của cả 3 ngân hàng này.
Được biết, trước khi trở thành bà chủ Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan và chồng cũng từng được truyền thông Trung Quốc nhắc đến trên các mặt báo Hồng Kông. Sở dĩ theo tìm hiểu, bà Lan là người gốc Hoa, bà còn có tên gọi khác là Trương Muội. Các thông tin liên quan đến bà khá ít ỏi, chủ yếu là thành tích về các hoạt động của bà trong công tác xã hội.
Sau nhiều năm lập nghiệp, bà Trương Mỹ Lan đã tạo nên một “hệ sinh thái” với loạt công ty con tiêu biểu như: Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Time Square, Công ty Tập đoàn Sài Gòn Penisula,…
Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan hiện sở hữu rất nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP Hồ Chí Minh. Tập đoàn này luôn gây sốt thị trường địa ốc với những thông tin thâu tóm đất vàng, tạo lập các siêu dự án.
Nổi bật nhất, là việc mua lại tòa tháp Vincom Centre A (Union Square sau này), Thuận Kiều Plaza…
Ngoài ra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Lan làm chủ còn sở hữu hàng loạt siêu dự án vàng khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, toà nhà phức hợp Times Square, dự án Amigo, khu “Tứ giác” Đại lộ Nguyễn Huệ…..