Ba lĩnh vực đang được doanh nghiệp nước ngoài rót mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam
7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã bật tăng trở lại sau nhiều tháng giảm liên tục. Trong đó có các lĩnh vực như chế biến chế tạo, bất động sản, tài chính ngân hàng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng năm 2023, cả nước có 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 75,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2022.
Từ đầu năm đến nay, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 27,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD, giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, có 1.627 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tuy giảm 10,6% so với cùng kỳ nhưng tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,14 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 8,8% so với 6 tháng đầu năm nay.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, giữa lúc dòng vốn đầu tư suy giảm do những khó khăn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định rót vốn vào Việt Nam, trong đó có những dự án với quy mô lớn, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.
Cụ thể, xét theo lĩnh vực, trong 7 tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút vốn ngoại với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỷ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,61 tỷ USD, chiếm hơn 9,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 49,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Các ngành tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 1,53 tỷ USD, gấp gần 63,9 lần và gần 737,6 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo đối tác đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 7 tháng đầu năm, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỷ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tiếp đến là Hàn Quốc, qua 7 tháng, tổng vốn FDI của quốc gia này tăng lên mức 2,34 tỷ USD, vượt qua cả Nhật Bản, Trung Quốc để trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ hai trong 7 tháng qua.
Đứng thứ ba là Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,33 tỷ USD, chiếm gần 14,4% tổng vốn đầu tư, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Về địa bàn, trong 7 tháng năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tuy nhiên, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như: TP Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP Hải Phòng.