Ba nhóm khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt

Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Số doanh nghiệp bất động sản có xu hướng giải thể tăng. Lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới thì giảm khoảng 61,4%.

Doanh nghiệp giải thể tăng cao

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm cả nước có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.300 tỷ đồng. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,2% nhưng lại sụt giảm tới 17,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lĩnh vực bất động sản dẫn đầu về sự tụt giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, trong 7 tháng qua, bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm tới 56,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể lại tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, gồm 756 doanh nghiệp.

Theo thống kê mới nhất của một số tổ chức khảo sát đánh giá thì lĩnh vực bất động sản vẫn có xu hướng giải thể tăng. Số doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước.

Ba nhóm khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt - Ảnh 1

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có thể phân thành nhóm khó khăn, vướng mắc chính như:

Thứ nhất là vướng mắc về pháp lý khi nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; về thẩm quyền chuyển nhượng dự án;...

Thứ hai là vướng mắc về tổ chức thực hiện với cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, cụ theer như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; …

Thứ ba là khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Theo đó, doanh nghiệp bất động sản đang phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản thị trường bất động sản thấp nên dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp đang phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản, ngoài ra tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, buộc phải cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự từ đầu năm đến nay hoặc người lao động còn chủ động xin nghỉ việc, có nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay...

Doanh nghiệp mong được nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc

Nại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh.

Tại Hội Nghị, Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland kiến nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ dự án trên cả nước trong thời gian ngắn nhất, thông suốt từ địa phương đến Chính phủ, Quốc hội.

Ba nhóm khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt - Ảnh 2

Đặc biệt là làm rõ hơn kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để cán bộ địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm an tâm quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sáng tạo đột phá góp phần cho một nước Việt Nam phát triển.

Cùng với đó, cần bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển, không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý; không phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Và có chính sách khuyến khích hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp phải trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh giúp giảm phát thải, giúp phát triển địa phương tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân; góp phần vào an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh cũng kiến nghị đến Thủ tướng và Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý cho dự án đến công đoạn cuối cùng, đặc biệt là giấy phép xây dựng. Doanh nghiệp này mong rằng, các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh thành có giải pháp hỗ trợ, đặt mục tiêu doanh nghiệp sớm được cấp phép xây dựng.

Theo ông Trung, hiện chủ đầu tư chỉ được tiếp cận vốn vay ngân hàng khi đã hoàn tất thủ tục đất đai và thủ tục xây dựng dự án. Nhưng với quy trình thủ tục hiện nay sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước trong ngắn hạn cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án. Vấn đề này rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản, tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển