Bắc Ninh muốn làm sân golf ở bãi sông Đuống: Không thể!

Đó là khẳng định của GS.TS Vũ Trọng Hồng khi nghe về dự án sân golf Thuận Thành mà Bắc Ninh đang xin ý kiến các Bộ, ngành.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản gửi Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh của Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản HUDLAND và Công ty CP Tư vấn và Thương mại Thăng Long.

Trước đó, vào tháng 11/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã có văn bản báo cáo, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định về nội dung dự án nêu trên.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, sân golf quốc tế Thuận Thành được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và phù hợp với các quy hoạch tại địa phương như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung đô thị Hồ và phụ cận huyện Thuận Thành.

Sân golf quốc tế Thuận Thành nằm trong khu vực bãi sông được phép nghiên cứu xây dựng được HĐND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Nghị quyết số 166/NQ-HĐND ngày 17/4/2019.

Với quy mô là sân golf 18 lỗ với tổng vốn đầu tư 797 tỷ đồng (20% là vốn góp, 80% là vốn huy động và vốn vay của các ngân hàng thương mại), khu đất dự kiến xây dựng sân golf này khoảng 98ha tại xã Đình Tổ, với phía Bắc giáp sông Đuống, phía Nam giáp đê sông Đuống, phía Đông và phía Tây giáp đất nông nghiệp ngoài đê.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT) thẳng thắn phản đối việc xây dựng sân golf ở bãi sông Đuống vì sông Đuống hiện nay là nguồn cấp nước sạch cho Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Theo vị chuyên gia, để làm sân golf cần có diện tích làm khu phụ trợ và phải phun hàng trăm tấn thuốc diệt cỏ, diện mối. Diện tích khu phụ trợ hiện nay, trong trường hợp vào khu dân cư thì Nhà nước phải bỏ kinh phí để giải tỏa. Nếu là bãi ven sông thì sẽ cản trở thoát lũ mà Luật Đê điều không cho phép. 

Khi sân golf không dùng nữa, cần kinh phí xử lý về môi trường mới sử dụng được. Khu công nghiệp Biên Hoà, Đồng Nai là một bài học điển hình khi không có kinh phí để xử lý chất độc, không ai sống được, phải đóng cửa nhiều năm.

"Tôi chưa nghe nói trên thế giới có sân golf xây dựng ngay vị trí trên sông hay ven sông cả. Ở nhiều nước đã và đang xây dựng luật coi dòng sông là một thực thể sống, không được phép gây ô nhiễm trên đó.

Năm 2017, Quốc hội New Zealand đã quyết định coi sông Whanganui, con sông dài thứ 3 ở nước này, là một thực thể sống, trở thành dòng sông đầu tiên trên thế giới được hưởng quyền lợi pháp lý như một con người.

Trước đó cộng đồng người Iwi, một tộc người Maori, đã đấu tranh để dòng sông này được công nhận tư cách pháp nhân trong suốt 160 năm. 

Bởi dòng sông là một thực tế sống nên việc vứt rác xuống sông, chèo thuyền gây ô nhiễm... đều bị xử phạt. 

Đáng lưu ý, xây dựng sân golf trên bãi sông sẽ gây ra mối nguy hại lớn nhất là ô nhiễm nguồn nước mà cộng đồng đang dùng. Vừa qua, khi nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm, sông Đuống lúc đó trở thành nguồn nước chủ yếu để cứu Hà Nội. Sông Đuống là chảy hai chiều, nên nếu xây sân golf ở đây, nguồn nước ô nhiễm cũng sẽ bị đẩy ngược về Hà Nội", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Một điểm khác được vị chuyên gia thủy lợi chỉ ra, đó là bãi sông, theo quy luật dòng vận động của dòng chảy, khi dòng nước chảy đến đó sẽ chảy chậm lại, tạo nên bãi bồi. Thế nhưng, đến mùa lũ lớn, dòng lũ sẽ xóa bỏ bãi bồi để lấy phù sa đem đi xa. Sân golf nằm ở bãi sông, chưa nói đến ô nhiễm, đã luôn bị dòng lũ đe dọa.

"Bởi vậy, tôi rất nghi ngờ ý tưởng xây dựng sân golf này vì nó đầy mạo hiểm. Có chăng khi dự án sân golf được công bố, các bất động sản xung quanh dự án này sẽ nóng lên, giá tăng cao và nhờ đó không ít người có thể kiếm lợi", nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói.

Từ những phân tích trên, GS.TS Vũ Trọng Hồng đề nghị, ngành thể thao phải xây dựng luật trong đó ghi rõ sân golf chỉ được xây dựng ở những vị trí nào, điều kiện nào thì cho phé... Khi đã có luật rồi thì những đề xuất tương tự không thể xuất hiện, giống như Luật Đê điều ra đời, nhiều ý tưởng sử dụng các bãi giữa sông Hồng làm nơi vui chơi giải trí cũng bị xóa bỏ.

 

Theo Thành Luân/ Báo Đất Việt

 

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bac-ninh-muon-lam-san-golf-o-bai-song-duong-khong-the-3398802/

Tin liên quan