Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng 'siêu' cảng lớn nhất miền Tây

Siêu cảng được xây dựng với mục đích phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng lần thứ 75 thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng (báo cáo giữa kỳ).

Tại cuộc họp, các đơn vị có liên quan đã thông qua tóm tắt các nội dung tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý tại cuộc họp lần trước; các nội dung phát sinh mới cần thảo luận, góp ý; tư vấn thông qua báo cáo tóm tắt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng; báo cáo tóm tắt đánh giá, dự báo sơ bộ các tác động môi trường…

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến gần 50.000 tỷ đồng.

Theo đơn vị tư vấn, dự kiến vốn Ngân sách nhà nước đầu tư hạng mục đường sau cảng; cầu vượt biển, đê chắn sóng, luồng tàu, vũng quay tàu với số vốn đầu tư đến giai đoạn hoàn thiện là 46.476 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 29% tổng vốn đầu tư. Vốn kêu gọi các nhà đầu tư các công trình còn lại và đầu tư trang thiết bị khai thác cảng với số vốn đầu tư là 116.255 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 71% tổng vốn đầu tư.

Phối cảnh cảng Trần Đề
Phối cảnh cảng Trần Đề

UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. 

Theo đó, quy mô đầu tư bến cảng ngoài khơi Trần Đề gồm có: cầu cảng dài 5.300m; hệ thống kè/đê chắn sóng dài 9.800m; cầu vượt biển dài 17,8km… Đồng thời sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác bao gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy và các công trình phụ trợ khác đảm bảo hoạt động khai thác cho toàn bộ khu cảng cho từng giai đoạn.

Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics có tổng diện tích khoảng 4.000ha. Khu này cơ sở hạ tầng bao gồm: san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc để kêu gọi nhà đầu tư thuê cơ sở hạ tầng…

Về logistics, báo cáo kiến nghị xây dựng khu hậu cần cảng, logistics gắn với dự án cảng biển; có giải pháp phát triển nguồn hàng thông qua thu hút phát triển sản xuất, ưu tiên quỹ đất phát triển khu công nghiệp gần cảng, có chính sách phát triển hoạt động trung chuyển hàng hóa quốc tế; phân luồng hàng hóa giữa khu bến cảng Trần Đề và các cảng khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Cái Mép - Thị Vải.

Phương Hà

Theo Chất lượng và cuộc sống