Bất động sản và Đầu tư VRC doanh thu khiêm tốn
Các con số kinh doanh của Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (mã VRC – sàn HoSE) năm 2022 cho thấy việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ tỏ ra khá khiêm tốn so với quy mô vốn của doanh nghiệp, cũng như quy mô hàng tồn kho nằm tại công ty.
Tính đến ngày cuối cùng năm 2022, tổng tài sản của VRC là 1.602 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm. Trong khi đó, tài sản có giá trị lớn nhất nằm ở hàng tồn kho với quy mô tài sản 1.060 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản.
Hàng tồn kho của công ty chủ yếu nằm ở bất động sản dở dang tại 3 dự án là Khu dân cư Nhơn Đức, Phước Lộc- Nhà Bè (689 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư ADC, Phú Mỹ (338 tỷ đồng) và một phần nhỏ trong Dự án Khu dân cư Long An (33 tỷ đồng). Nhìn vào lịch sử hàng tồn kho của công ty, thời điểm đầu năm 2022 đến cuối năm 2022, hàng tồn kho có giảm, nhưng vẫn nằm ở 3 dự án nêu trên.
VRC hiện là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản và cho thuê mặt bằng. Công ty có quy mô vốn chủ sở hữu 1.259 tỷ đồng.
Như vậy, quy mô vốn và tài sản của doanh nghiệp này cũng ở mức khá lớn, nhưng tài sản chủ yếu nằm ở hàng tồn kho và một phần trong các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Được biết, khoản đầu tư tài chính dài hạn của VRC là 483 tỷ đồng (chiếm hơn 30% tổng tài sản) để đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ Cảng Mỹ Xuân.
Với quy mô vốn và tài sản lớn nhưng tài sản cố định có giá trị rất nhỏ chiếm chưa đến 1% tổng tài sản, với giá trị chỉ vẻn vẹn có hơn 863 triệu đồng. Tài sản cố định hữu hình với 511 triệu đồng và tài sản cố định vô hình 352 triệu đồng.
Mặt khác, về tình hình kinh doanh của VRC cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp năm 2022 chỉ ghi nhận gần 3,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ 16,8 tỷ đồng. Theo đó, quy mô doanh thu chỉ chiếm 0,28% so với quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp; trong khi quy mô lợi nhuận sau thuế bằng 1,33% so với quy mô vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của VRC tăng mạnh so với năm trước, cụ thể năm 2021 doanh thu tài chính chỉ đem về gần 27 triệu đồng trong khi đó năm 2022 đem về hơn 4,7 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2022, VRC ghi nhận lượng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn hơn 12 tỷ đồng và gần 21 triệu đồng tiền mặt.
Nguồn: BCTC VRC |
Mặc dù doanh thu tài chính mang về cho VRC 4,7 tỷ đồng tuy nhiên các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác tăng cao khiến cho lợi nhuận sau thuế chỉ còn lại 16,8 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 4 tỷ đồng, tăng 58% so với năm trước. Trong đó chủ yếu tăng về chi phí nhân viên quản lý 1 tỷ đồng (tăng 143% so với cùng kỳ), chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác 353 triệu đồng (tăng 89% so với cùng kỳ).
Cũng trong năm VRC ghi nhận lỗ 30 triệu đồng trong công ty liên doanh, liên kết. Con số này đã giảm một nửa so với năm trước.