Bất thường đấu giá khoáng sản: Lỗ hổng sau những cú đẩy giá nghìn tỷ

Theo Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc, quy định pháp luật không có chế tài buộc người trúng đấu giá mỏ khoáng sản phải thực hiện kết quả. Qua đó, người trúng đấu giá chỉ bị mất tiền cọc.

Nghi vấn sáu những vụ trả giá bất thường

Ngày 19/10, cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B thị xã Điện Bàn. Điểm với diện tích hơn 6 ha, trữ lượng theo kế hoạch được phê duyệt 159.000 m3 cát. Trải qua 200 vòng đấu, đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần MT Quảng Đà (TP. Đà Nẵng) với giá trúng đấu giá là 1.534,6% so với khởi điểm, tương đương với tiền trúng đấu giá tạm tính theo trữ lượng dự tính 159.000 m3 là hơn 370,5 tỷ đồng (tăng so với giá khởi điểm gần 369,4 tỷ đồng).

Vị trí khu vực trong vụ đấu giá mỏ khoáng sản bất thường ở Quảng Nam. Ảnh: Phước Nguyên
Vị trí khu vực trong vụ đấu giá mỏ khoáng sản bất thường ở Quảng Nam. Ảnh: Phước Nguyên

Với mức giá đấu cao bất thường này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, quy trình, thủ tục liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B.

Trước đó, tại Hà Nội cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Cụ thể, ngày 5 và 6/11/2023, cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Kết quả, 3 đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền khoảng 1.700 tỉ đồng.

Đầu tiên, mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703.500m³. Giá khởi điểm được đưa ra là 2,881 tỉ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng.

Qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được giá trúng là 396,865 tỉ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Việt Sơn.

Tiếp theo, mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603m³. Giá khởi điểm 2,051 tỉ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng. Sau 53 vòng, giá đấu trúng là 408,290 tỉ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP.

Cuối cùng, mỏ Tây Đằng - Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m³, giá khởi điểm là 19,29 tỉ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Qua 21 vòng đấu, giá trúng là 883,93 tỉ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh.

Mối liên hệ sau việc trả giá cao của các DN?

Lấy ví dụ từ vụ đấu giá đất bất thường ở Quảng Nam của Công ty cổ phần MT Quảng Đà, theo Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc, cuộc đấu giá này có mức giá đấu cao là do sự lựa chọn và quyết định của các đơn vị tham gia đấu giá. Chúng ta chưa thể kết luận cuộc đấu giá này có sai phạm hay không.

Xét ở khía cạnh doanh nghiệp tham gia đấu giá để giành quyền khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp trước khi quyết định tham gia đấu giá phải có sự cân nhắc, tính toán về mặt tài chính để có phương án phù hợp cho việc kinh doanh của mình trong trường hợp trúng đấu giá.

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc cho rằng doanh nghiệp đã có sự tính toán để có thể đưa ra được một mức giá mà doanh nghiệp cho là hợp lý khi họ tham gia đấu giá. Qua đó, doanh nghiệp muốn đưa ra một mức giá như thế nào là quyền của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi mức giá đấu bị đẩy lên quá cao lại tạo nên sự nghi ngờ. Cơ quan chức năng không chứng minh được sai phạm, không đưa ra được bằng chứng của sự bất thường trong quá trình đấu giá thì việc thua lỗ hay những vấn đề khác của doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ do doanh nghiệp này tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, 370 tỷ đồng chỉ là giá đấu ban đầu. Doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí khác như thuế, lệ phí … sau đó là các thủ tục liên quan để được quyền khai thác mỏ khoáng sản.

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc cũng cho rằng, tiền trúng đấu giá là khoản tiền phải nộp cho ngân sách nhà nước. Nếu đơn vị trúng đấu giá không thực hiện đầu đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước thì chắc chắn họ sẽ không được nhà nước trao quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Chính vì vậy, doanh nghiệp không dại gì tự làm lỗ cho mình, chỉ là chúng ta không biết được mục đích chính của họ là gì.

"Theo thông tin tôi được biết, phiên đấu giá này được tiến hành 20 giờ liên tục và các bên liên tiếp đưa ra các bước giá. Đến bước giá cuối cùng là 370 tỷ đồng thì cuộc đấu giá dừng lại và mức giá được xác lập", Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc thông tin.

Nhà nước chưa có chế tài xử lý việc bỏ cọc khi đấu giá trúng. Ảnh: Phước Nguyên
Nhà nước chưa có chế tài xử lý việc bỏ cọc khi đấu giá trúng. Ảnh: Phước Nguyên

Cho đến thời điểm hiện tại, kết quả của phiên đấu giá này vẫn chưa được công nhận, do các cơ quan chức năng nghi ngờ có điểm bất thường và đang tiến hành các bước kiểm tra lại toàn bộ quá trình đấu giá.

Nhìn tổng quát, Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc cho rằng chưa có đủ các hồ sơ để nhận xét về việc liệu có sai phạm nào xảy ra tại cuộc đấu giá này hay không? Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ thêm về hai đơn vị cuối cùng của cuộc đấu giá.

Trong đó, cơ quan chức nằng cần xác minh thêm về mối liên kết hoặc liên hệ giữa hai đơn vị này và việc đưa ra mức giá cao như vậy là có mục đích gì? Cuộc đấu giá này liệu rằng có xảy ra sự thông đồng, móc nối nào để làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá tài sản hay không?

Lỗ hổng nằm ở đâu?

Trong thời gian vừa qua, nhiều trường hợp người trúng đấu giá không thực hiện kết quả đấu giá. Việc này một phần do sự thay đổi quyết định của người trúng đấu giá, mặt khác là do hiện tại, quy định pháp luật không có chế tài bắt buộc người trúng đấu giá phải thực hiện kết quả đấu giá. Nếu không thực hiện kết quả đấu giá, người trúng đấu giá chỉ bị mất tiền đặt trước đã nộp.

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là không có. Cho nên, người tham gia đấu giá họ “tùy ý” không thực hiện kết quả đấu giá sau khi đấu giá cao và trúng đấu giá.

Việc này gây ra nhiều ảnh hưởng cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý. Bởi khi doanh nghiệp không thực hiện kết quả đấu giá thì việc đấu giá phải tiến hành lại từ đầu theo các quy trình và quy định của pháp luật gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực của các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Chính vì vậy, Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc cho biết mới đây Luật vừa có sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đấu giá năm 2024 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản tại Điều 70.

Cụ thể, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Việc bỏ cọc dẫn đến kết quả công nhận đấu giá bị hủy thì người trúng đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản có thể bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Phước Nguyên

Theo VietnamFinance