Bầu Đức trải lòng nhận lỗ, bầu Hiển bị khách truy vấn
Bầu Đức cho rằng dự án nông nghiệp trong giai đoạn đầu tư nên chịu lỗ, còn bầu Hiển bị khách hàng đòi làm rõ trách nhiệm ở Cocobay Đà Nẵng.
Trải lòng của Bầu Đức
Trong quý I/ 2020 , Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức ghi nhận lỗ ròng gần 2,426 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó gần 2,308 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ của Hoàng Anh Gia Lai được xác định là do công ty con đang đầu tư vào dự án nông nghiệp.
Trước tình hình này, Bầu Đức đã trải lòng với cổ đông, nhà đầu tư xung quanh những khó khăn của doanh nghiệp này trong thời gian qua.
Bầu Đức trấn an cổ đông.
“Về kết quả hoạt động kinh doanh, do Hoàng Anh Gia Lai đang trong giai đoạn đầu tư chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng nên phát sinh các khoản lỗ do chi phí chuyển đổi vườn cây và chi phí thanh lý các tài sản gắn liền với vườn cây cũ, trong khi hơn một nửa diện tích cây ăn trái đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản”, ông Đức giãi bày.
Người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai cũng trấn an nhà đầu tư và cổ đông:
“Các khoản lỗ này sẽ giảm dần và Hoàng Anh Gia Lai sẽ nỗ lực để chuyển sang trạng thái có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất".
Bầu Hiển bị truy vấn trách nhiệm ở Cocobay Đà Nẵng
Ngày 7/5/2020, nhiều người đã kéo đến hội sở của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, số 77 Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội) căng băng rôn để đòi quyền lợi, đòi ngân hàng làm rõ trách nhiệm của đơn vị tại dự án Cocobay Đà Nẵng do Công ty Thành Đô làm chủ đầu tư. Được biết, SHB do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm chủ tịch HĐQT là ngân hàng đứng ra bảo lãnh, cho vay tại dự án này.
Theo đó, nhiều người mua sản phẩm tại dự án Cocobay Đà Nẵng bất bình trước cách ứng xử của ngân hàng với tư cách là ngân hàng bảo lãnh độc quyền cho dự án.
Bầu Hiển chưa làm rõ trách nhiệm của SHB tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Nhóm khách hàng đề nghị SHB làm rõ trách nhiệm bảo lãnh tiến độ. Thứ hai là làm rõ dòng tiền của dự án. Thứ ba là đứng ra tổ chức đối thoại 3 bên gồm chủ đầu tư, ngân hàng và chủ sở hữu, đề nghị SHB khoanh nợ, miễn lãi trong thời gian chưa tìm tiếng nói chung. Cuối cùng là yêu cầu ngân hàng phối hợp thực hiện nguyện vọng của chủ sở hữu là thanh lý hợp đồng với Thành Đô hoặc nhận bàn giao sản phẩm.
“Câu hỏi là SHB đã quản lý dòng tiền như thế nào, số tiền còn lại đang ở đâu? " - một khách hàng nêu.
Phản hồi thông tin, đại diện ngân hàng SHB cho biết, việc tiếp tục giải ngân cho dự án Cocobay Đà Nẵng đang gặp khó khăn vì chủ đầu tư không đưa ra được tài sản đảm bảo. Đồng thời khẳng định phía ngân hàng cũng đang phải chịu thiệt từ dự án này.
Người thay thế ông Trịnh Văn Quyết ở Faros là ai?
Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros vừa thông qua danh sách 2 ứng viên đề cử bầu bổ sung tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2016-2021 tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2020 sắp tới gồm bà Hương Trần Kiều Dung và bà Trần Thị Hương.
Chân dung bà Hương Trần Kiều Dung.
Trong đó, nếu bà Dung được đại hội đồng cổ đông bầu vào HĐQT, HĐQT FLC Faros đề nghị bầu nữ doanh nhân này giữ chức chủ tịch công ty.
Bà Hương Trần Kiều Dung hiện là Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLC Homes. Trước đó, bà Dung có thời gian gần 2 năm làm tổng giám đốc FLC.
Ngã ngựa ở Condotel
Liên quan đến dự án Cocobay Đà Nẵng đang bị nhiều khách hàng phản ứng, ngày 8/5/2020, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Công ty Thành Đô, chủ đầu tư dự án cho biết, trong suốt quá trình vận hành dự án 2017-2019, doanh nghiệp đã chi gần 2.000 tỷ đồng để trả thu nhập cam kết cho chủ sỡ hữu trong khi doanh thu từ khai thác kinh doanh chưa đạt 1/3.
Quyết định chấm dứt cam kết thu nhập "cực chẳng đã" hồi cuối năm 2019 được đưa ra sau 6 tháng cân nhắc vì doanh nghiệp không thể thực hiện cam kết chi trả mức lợi nhuận 12%/năm.
Ông Nguyễn Đức Thành.
"Thực ra khi vận hành, chúng tôi mới thấy khó khăn và không thể thực hiện được mức cam kết trên. Thế nên, sau khi chúng tôi tính toán lại thì đưa mức lợi nhuận cam kết xuống 6 -7%.
Theo nguyên tắc, việc chi trả cam kết, tiền trả cho khách chọn thanh lý hợp đồng là dựa vào nguồn thu từ vận hành, kinh doanh bất động sản và tài trợ của ngân hàng. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ còn có thể dựa vào SHB", ông Thành thừa nhận.
Vì sao tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng buôn thêm đồ cũ?
Smart Solution là công ty thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe cũ với mục tiêu hỗ trợ các khách hàng mong muốn đổi xe ô tô cũ sang xe VinFast mới.
Theo đó, khách hàng chỉ cần mang xe đã qua sử dụng tới siêu thị xe Smart Solution - công ty mua bán xe cũ thuộc Tập đoàn Vingroup - để được định giá và mua lại. Giá trị xe cũ tùy thuộc thỏa thuận với khách hàng. Smart Solution kiểm tra các hạng mục kỹ thuật, an toàn, Những xe cũ mua của khách sẽ được bán lại cho khách khác có nhu cầu, với giá bằng giá lúc thu mua.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam về lượng xe mới đăng ký lăn bánh, VinFast có 5.124 xe, xếp thứ 5 về doanh số trong quý I/2020. Những thương hiệu dẫn đầu là Hyundai, Toyota, Kia, Honda.
Với động thái kể trên, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tỏ rõ tham vọng doanh số và mở rộng độ phủ thương hiệu sau khoảng một năm bán xe trên thị trường. Bằng cách thu mua xe cũ và hỗ trợ mua xe mới thể tạo nên sự kích thích cho khách hàng chuyển sang các sản phẩm của hãng.
Theo Trung Tuyến/ Báo Đất Việt
Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/bau-duc-trai-long-nhan-lo-bau-hien-bi-khach-truy-van-3401806/