Đối diện thuế quan của Mỹ, chiến lược FDI của Việt Nam cần sắc bén hơn
TS Đặng Thảo Quyên cho rằng, bằng cách giữ vững lợi thế ở lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy các ngành dễ tổn thương chuyển hướng sang phân khúc giá trị cao và thị trường đa dạng hơn, Việt Nam có thể vượt qua cú sốc từ chính sách thương mại mới của Mỹ, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Những diễn biến về thuế quan của Mỹ đang là thông tin được giới quan sát mong mỏi nhất lúc này. Trước những diễn biến mới trong thương mại Việt – Mỹ, TS Đặng Thảo Quyên - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam đã có những phân tích về mức độ ảnh hưởng đến bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

“Sự thay đổi gần đây trong chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là các mức thuế quan mới có thể áp lên hàng Việt, đang hé lộ triển vọng không đồng đều cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Một số ngành có thể duy trì khả năng chống chịu, trong khi các ngành khác sẽ chịu áp lực lớn hơn. Do đó, phản ứng chiến lược từ phía Chính phủ Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì sức hút FDI”, TS Đặng Thảo Quyên cho biết.
Theo đó, các ngành công nghệ cao như điện tử, dược phẩm và năng lượng được dự đoán sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi thuế quan, nhờ các chính sách miễn trừ và sự quan tâm ngày càng tăng từ giới đầu tư. Điều này phản ánh những thành tựu chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và các dự án đầu tư bền vững.
Các khoản đầu tư gần đây như quyết định rót thêm 1,07 tỷ USD vào tỉnh Bắc Ninh của Amkor Technology hay dự án 4,9 triệu USD của BE Semiconductor Industries N.V. tại Khu công nghệ cao TP. HCM là những minh chứng rõ nét.
Ngoài ra, bà Quyên cho rằng các cơ quan xúc tiến đầu tư nên xem xét phát triển một nền tảng hỗ trợ đầu tư theo vùng dựa trên trí tuệ nhân tạo, giúp hướng nhà đầu tư đến các địa phương phù hợp nhất, từ đó tăng niềm tin giữa các bên và nâng cao hiệu quả. Cũng nên cân nhắc triển khai hệ thống giao dịch tín chỉ carbon gắn với FDI để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Mặt khác, các ngành xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày và đồ gỗ đang đối mặt với rủi ro lớn từ mức thuế mới và sự cạnh tranh từ hàng hoá Mỹ chịu thuế 0%, khiến dòng vốn FDI vào các lĩnh vực này có nguy cơ sụt giảm.
“Điều này đặc biệt đáng lo khi các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia có khả năng sẽ chịu mức thuế thấp hơn”, TS Đặng Thảo Quyên nhấn mạnh.
Theo bà, để giảm thiểu rủi ro, các ngành này cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ phụ thuộc vào Mỹ mà hướng đến các quốc gia có chính sách thuế ưu đãi hơn, đồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn xanh để tiếp cận các thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu.
“Chiến lược FDI của Việt Nam cần trở nên sắc bén hơn và được tinh chỉnh theo từng ngành. Bằng cách giữ vững lợi thế ở lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy các ngành dễ tổn thương chuyển hướng sang phân khúc giá trị cao và thị trường đa dạng hơn, Việt Nam có thể vượt qua cú sốc từ chính sách thương mại mới của Mỹ, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế”, bà Quyên cho hay.
Thông tin từ Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,4 tỷ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 8,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Trong đó, có 1.549 dự án đầu tư mới (tăng 14,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 7,02 tỷ USD (giảm 13,2% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, vốn điều chỉnh tăng mạnh khi có 672 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 27,8%, với tổng vốn tăng thêm đạt 8,51 tỷ USD, gấp gần 3,4 lần so với cùng kỳ. Theo GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố, khi không chỉ đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.