Bẫy thẻ tín dụng - cẩn thận kẻo tiền bay
Việc nắm rõ các loại phí và lãi suất thẻ tín dụng giúp khách hàng tránh phát sinh các khoản phải trả không mong muốn dẫn đến ôm số nợ khổng lồ phải trả.
Hiện nay, thẻ tín dụng đã không còn xa lạ với đa số người tiêu dùng Việt Nam. Ở mặt tích cực, thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán tiện lợi, có độ bảo mật mà không cần tiền trong tài khoản hay có sẵn. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát và chưa nắm rõ những nguyên tắc dịch vụ của loại hình "tiêu trước trả sau" này, có thể khiến nhiều người phải một số nợ khổng lồ với lãi suất "cắt cổ" từ ngân hàng.
Mất quá nhiều khoản phí cho thẻ tín dụng
Phí thẻ tín dụng là khoản phí mà ngân hàng thu khi khách hàng có nhu cầu mở thẻ, duy trì sử dụng thẻ hoặc khi rút tiền mặt. Tùy vào từng ngân hàng mà số lượng phí này sẽ khác nhau nhưng thường sẽ tồn tại những loại phí sau:
Đầu tiên là phí mở thẻ, được hiểu là chi phí phải trả khi đăng ký mở thẻ. Hiện nay, đa số các ngân hàng đã phát hành thẻ lần đầu miễn phí cho một số dòng thẻ tín dụng quốc tế.
Tiếp theo, loại phí người dùng thẻ cần quan tâm là phí duy trì thường niên. Đây là khoảng chi phí mà người dùng phải nộp định kỳ hàng năm cho đến khi thẻ hết thời hạn, hoặc khi muốn ngưng sử dụng thẻ để duy trì thẻ tín dụng.
Mức phí thường niên thẻ tín dụng thường dao động khoảng từ 100.000 – 400.000 đồng/thẻ/năm với các hạng thẻ chuẩn, từ 1.000.000 – 5.000.000 đồng/thẻ/năm với các hạng thẻ cao cấp.
Tuy nhiên, phí thường niên có thể được giảm xuống hoặc miễn phí nếu như bạn có ưu đãi đăng ký tại thời điểm làm thẻ hoặc đạt tổng mức chi tiêu qua thẻ tín dụng cao theo chính sách tại các ngân hàng. Cụ thể như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức phí thường niên dao động từ 100.000 đồng đến 800.000 đồng/thẻ/năm đối với hạng chuẩn, 3.000.000 đồng/thẻ/năm đối với phân khúc cao cấp.
Hai loại phí mà khách hàng ít quan tâm đó là phí vượt hạn mức tín dụng và phí giao dịch quốc tế. Đối với phí vượt hạn mức tín dụng, mức phí sẽ dựa trên số tiền mà khách hàng đã tiêu quá hạn và đặt ra mức phí khác nhau. Mỗi ngân hàng sẽ có mức phí khác nhau, dao động từ 10% đến 30%/năm trên số tiền vượt định mức. Mức phí giao dịch quốc tế được tính % trên giá trị giao dịch mà không cần chuyển đổi ngoại tệ. Mức phí này sẽ tùy ngân hàng nhưng không được vượt quá 5%.
Một loại phí đáng lưu ý là phí chậm thanh toán. Thông thường, thẻ tín dụng sẽ miễn lãi tối đa 45 ngày cho khách hàng sử dụng thẻ. Tuy nhiên, nếu sau 45 ngày đó chủ thẻ vẫn chưa trả hết dư nợ thì sẽ phải chi trả thêm khoản phí phạt chậm thanh toán số tiền tối thiểu dựa trên số ngày quá hạn cùng với lãi suất do các bên ngân hàng đã đưa ra. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) quy định mức phí là 6%, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quy định mức phí khoảng 3%. Các ngân hàng còn lại có mức phí dao động từ 3% đến 6%.
Ngoài ra, phí rút tiền của thẻ tín dụng là một con số khá cao. Khách hàng có thể rút tối đa 70% hạn mức thẻ và chịu phí rút tiền dao động từ 2% đến 4,4% giá trị giao dịch. Tùy thuộc vào ngân hàng và nơi giao dịch mà mức phí này sẽ lên xuống khác nhau, tuy nhiên mức tối thiểu sẽ vào khoảng 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Ví dụ, phí rút tiền tại ngân hàng Viettinbank là 4% (tối thiểu 50.000 đồng), chủ thẻ rút 1.000.000 đồng sẽ phải chịu phí 4% tức 40.000 đồng, tuy nhiên, khách hàng sẽ phải trả 50.000 đồng. Còn nếu chủ thẻ rút 10.000.000 đồng, mức phí phải trả lúc này sẽ là 400.000 đồng. Bởi vì đây là hành động không khuyến khích nên ngân hàng thường khuyến cáo người dùng không nên rút tiền mặt qua thẻ tín dụng.
Cuối cùng, còn lại rất nhiều loại phí khác phát sinh trong quá trình khách hàng sẽ dụng thẻ như phí cấp lại thẻ (dao động từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/lần), phí in lại sao kê (dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/lần), phí hủy thẻ (dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/thẻ, bên cạnh đó, số điểm tích lũy thẻ tín dụng sẽ bị trừ đi đáng kể).
Như vậy, có thể thấy một chiếc thẻ tín dụng có đến gần 10 loại phí kèm theo. Tính theo thẻ tín dụng Vietcombank Mastercard tiêu chuẩn, để sở hữu một chiếc thẻ tín dụng, khách hàng phải mất khoảng phí trên 2.000.000 đồng/năm (chưa tính phí phát sinh như phí giao dịch ngoại tệ, làm lại thẻ, đổi định mức,...)
Lãi suất thẻ tín dụng cao "ngất ngưởng"
Được biết, lãi suất thẻ tín dụng là khoản phí mà chủ thẻ phải trả khi thực hiện rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hoặc chậm thanh toán một phần tối thiểu trên toàn bộ số dư nợ thẻ tín dụng của tháng liền kề trước.
Theo thông tin khảo sát được, hiện tại lãi suất thẻ tín dụng đang dao động từ 10,5 đến 40%/ năm.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank mức lãi suất đối với các dòng thẻ đang ở mức 15% đến 18%/ năm (tương đương 1.25% đến 1,5%/tháng).
Lãi suất thẻ tín dụng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hiện được quy định theo từng loại thẻ và hạn mức thẻ, nằm trong khoảng từ 18,5 - 35,88%/năm (tương đương 1,54 - 3%/tháng).
Tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), mức lãi suất đối với các dòng thẻ tín dụng dao động từ 22,8 - 38,85%/năm tùy loại (tương đương 1,9 - 3,%/tháng).
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hiện đang áp dụng mức lãi suất cao nhất trên các dòng thẻ là 33,12%/thẻ/năm (tương đương 2,76%/tháng).
Tại ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), thẻ MSB Visa Shopping đang có mức lãi suất rút tiền mặt thấp nhất tròn các dòng thẻ là 26%/năm (tương đương 2,17%/tháng). Các loại thẻ khác có mức lãi suất từ 36 - 45%/năm đối với cả chi tiêu hoặc dùng tiền mặt (tương đương 3% - 3,75%/tháng).
Còn tại, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), lãi suất cao nhất là thẻ VIB Rewards Unlimited với lãi suất 33,96%/năm (tương đương 2,83%/tháng).
Bên cạnh lãi suất này, khách hàng sẽ bị tính thêm phí phạt trả chậm như đã nói ở trên. Như vậy, có thể nói đây là mức lãi suất quá cao, cách tính lãi kép, lãi chồng lãi. Không chỉ vậy, mỗi ngân hàng lại đưa ra cách tính lãi khác nhau gây hoang mang cho khách hàng.
Vậy, người dùng thẻ cần làm gì để tránh rơi vào "bẫy" thẻ tín dụng? Trong trường hợp chưa sử dụng thẻ tín dụng, người dùng hãy tham khảo và nắm vững thông tin trước khi mở thẻ. Đừng vì "ham" ưu đãi mà mở quá nhiều thẻ.
Trong trường hợp đang dùng thẻ tín dụng, hãy đăng ký dịch vụ thanh toán tín dụng tự động (trích nợ tự động) để không bị quên hoặc trễ hạn thanh toán mỗi tháng. Bên cạnh đó, thiết lập thông báo thanh toán bằng văn bản hoặc email để luôn được nhắc thanh toán đúng hạn. Tự chọn 1 ngày cố định thanh toán trong tháng để dễ ghi nhớ hơn, tránh trường hợp quên ngày gây trễ hạn. Và cách tốt hơn hết là khách hàng nên tìm cách thanh toán toàn bộ nợ gốc và tiền lãi quá hạn càng sớm càng tốt.
Còn nếu chủ thẻ đang phải gánh khoản nợ tín dụng quá hạn, hãy liên hệ ngân hàng trả góp dư nợ nếu không đủ khả năng tài chính. Nên kiểm tra toài khoản dư nợ và đảm bảo rằng đã thanh toán toàn bộ để tránh "rắc rối" về sau.