Bến cảng lâu đời nhất Hải Phòng phải di dời, 'nhường chỗ' cho 'đại dự án' 6.300 tỷ
Việc di dời bến cảng đã hoạt động gần 150 năm nhằm phục vụ quy hoạch hạ tầng, tiến tới thực hiện dự án giao thông 6.300 tỷ có ý nghĩa quan trọng với thành phố.
Cảng Hoàng Diệu là cảng lâu đời nhất của thành phố Hải Phòng với gần 150 năm hoạt động, làbeens cảng hàng đầu khu vực phía Bắc về khai thác các mặt hàng tổng hợp, hàng dự án công trình quốc gia với 9 cầu cảng, tổng chiều dài 1.385m, khả năng tiếp nhận các tàu lên đến 50.000DWT. Đây cũng là bến cảng đặc biệt nhất của cả nước khi là cảng duy nhất có hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia (Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai).
Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các bến sông Cấm không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu. Lộ trình di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện. Tháng 3/2017, chủ trương di dời bến cảng Hoàng Diệu được thông qua, qua đó thực hiện đầu tư vào các bến cảng số 3, 4 khu bến cảng Lạch Huyện để phục vụ di dời cảng Hoàng Diệu.
Hiện tại, công tác di dời, giải phóng mặt bằng cảng Hoàng Diệu đang được tích cực triển khai. Theo dự kiến, quá trình giải phóng mặt bằng cảng Hoàng Diệu phục vụ thi công cầu Nguyễn Trãi sẽ hoàn tất vào tháng 9/2024.
Về chi phí bồi thường, theo dự kiến, toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ tại Cảng Hoàng Diệu là 313,3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù tài sản, vật kiến trúc khoảng 199.4 tỷ đồng, bồi thường cây cối khoảng 5,9 triệu đồng, chi phí di chuyển tài sản khoảng 100,4 tỷ đồng và chi phí hỗ trợ ổn định sản xuất là 13,5 tỷ đồng.
Về dự án cầu Nguyễn Trãi với tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2024. Cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm nối quận Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên có ý nghĩa quan trọng đối với TP. Hải Phòng. Cây cầu giúp kết nối khu vực trung tâm hành chính - chính trị cũ tại quận Hồng Bàng với trung tâm hành chính - chính trị mới đang triển khai xây dựng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Dự án cùng với 3 cây cầu đã hoàn thành trước đó là cầu Kiền, cầu Bình, cầu Hoàng Văn Thụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện giao thông của huyện Thủy Nguyên, rút ngắn thời gian di chuyển, vận chuyển hàng hóa đến sân bay Cát Bi.
Hải Phòng có diện tích đất liền 1.561,8km2, là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, thành phố lớn thứ hai ở miền Bắc sau Hà Nội và là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.