Bị phê bình vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu: Bộ Tài chính lên tiếng

Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai để rà soát toàn bộ nội dung liên quan đến kết quả đấu thầu dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, sau khi bị Chính phủ phê bình vì báo cáo chậm và chưa đầy đủ.

Chiều nay 2/7, tại buổi họp báo thường kỳ quý II, ông Văn Trọng Duẩn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – cho biết, ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 6093 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Bộ Tài chính bị phê bình vì chậm trễ trong việc kiểm tra, báo cáo kết quả đấu thầu gói thầu tại dự án nói trên.

“Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành rà soát toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu tại dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (đoạn đi qua tỉnh Bình Phước trước đây, nay thuộc tỉnh Đồng Nai)”, ông Duẩn nói.

Bị phê bình vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu: Bộ Tài chính lên tiếng - Ảnh 1

Trước đó, Bộ Tài chính được giao kiểm tra, xác minh phản ánh từ Tập đoàn Sơn Hải liên quan đến việc không trúng thầu tại gói thầu có giá trị hơn 880 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc báo cáo chậm và thiếu nội dung đã khiến Bộ này bị Phó Thủ tướng phê bình là chưa thực hiện đầy đủ chức năng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải kiểm tra lại theo chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng trước ngày 5/7, đồng thời nhấn mạnh việc chậm trễ không được tiếp diễn, nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện đầy đủ việc kiểm tra quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói thầu thuộc dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Tài chính cần sửa đổi những quy định nào để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu được minh bạch hơn, tránh tình trạng “quân xanh quân đỏ”, tiêu cực, tham nhũng và lãng phí, ông Văn Trọng Duẩn cho biết Luật Đấu thầu sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1/7, với nhiều điểm mới nhằm siết chặt quy trình đấu thầu.

Đơn vị này hiện đang xây dựng dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành, theo hướng tăng phân cấp, phân quyền cho chủ đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giúp nhà thầu tiếp cận dễ dàng hơn.

“Đặc biệt, chúng tôi thiết kế cơ chế giám sát thường xuyên, trực tiếp bởi người có thẩm quyền, nhằm bảo đảm tính minh bạch trong lựa chọn nhà thầu,” ông Duẩn nhấn mạnh.

Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Sơn Hải đã có công văn phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng tuyến cao tốc TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Theo phản ánh từ phía Sơn Hải, trong thông báo mở thầu ngày 17/3/2025, giá gói thầu được công bố là hơn 880 tỷ đồng. Trong số các nhà thầu tham gia, Sơn Hải là đơn vị đưa ra mức giá thấp nhất - hơn 732 tỷ đồng, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 148 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm giá gần 17%

Các đơn vị khác lần lượt có mức giảm thấp hơn như Cienco4 (giảm hơn 9%), liên danh IB2500057961, gồm: Công ty cổ phần Hải Đăng – ĐC - Thuận Hà (8,7%), liên danh cao tốc Bình Phước, gồm: Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Đại Phong – Vinaconex – Công ty cổ phần Cơ khí điện Lữ Gia (5%) và liên danh cao tốc HCM–TDM–CT, gồm: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát (1,62%).

Kết quả được công bố ngày 22/5 cho thấy đơn vị trúng thầu là liên danh HCM–TDM–CT, nhà thầu có giá dự thầu cao nhất - hơn 866 tỷ đồng.

Phía Tập đoàn Sơn Hải cho biết, họ "rất ngạc nhiên" với quyết định của chủ đầu tư, nhất là khi các nhà thầu tên tuổi khác như Cienco4, Vinaconex... hay chính Sơn Hải đều bị loại với lý do "không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật".

Thái Hà

Theo VietnamFinance