Biến đảo ngọc của thành phố Cảng thành đảo không khói xe đầu tiên Việt Nam, 'đánh thức' tiềm năng phát triển du lịch
Thành phố Cảng định hướng sẽ dừng hoạt động và thay thế các phương tiện giao thông sử dụng xăng, diesel bằng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường trên đảo Cát Bà.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch chung đã hoạch định những bước đi cụ thể cho ngành du lịch tại thành phố Cảng.
Việc quy hoạch mạng lưới du lịch trên địa bàn TP. Hải Phòng hướng đến năm 2030 sẽ có đủ khả năng đáp ứng cho 30-50 triệu lượt khách; dự kiến năm 2040 sẽ có khoảng 35-40 triệu lượt khách.
Quy hoạch này cũng chỉ rõ một số chương trình ưu tiên đầu tư cho việc phát triển du lịch. Cụ thể trong đó có nhiệm vụ xây dựng Cát Bà và Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng, khác biệt, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, Hải Phòng cũng ưu tiên thực hiện dự án xây dựng tuyến cáp trao Cát Hải - Cát Bà cũng như một số dự án vui chơi giải trí, khu du lịch nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng như các dự án bảo vệ môi trường khu du lịch theo quy hoạch.
Một trong những điểm đáng chú ý trong mục tiêu phát triển lần này là việc thành phố Cảng định hướng hòn đảo ngọc Cát Bà sẽ trở thành "đảo không khói", bằng việc sẽ dừng hoạt động và thay thế toàn bộ các loại phương tiện giao thông sử dụng xăng, diesel bằng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.
Ít ai biết, định hướng độc đáo này đã từng được manh nha cách đây gần 1 thập niên trước.
Năm 2016, một đoàn khảo sát gồm các chuyên gia quy hoạch cảnh quan kiến trúc của WATG Hoa Kỳ - nhà tư vấn thiết kế hàng đầu thế giới đã đặt chân đến đảo Cát Bà và nêu lên một kế hoạch táo bạo.
Theo đề xuất của WAT, hệ thống giao thông tại khu vực Cát Hải - vệ tinh cho đảo Cát Bà và giao thông khu vực nội đảo cần được quy hoạch lại theo hướng sinh thái.
Nơi đây được vạch ra trong tương lai sẽ có những bãi biển công cộng đem đến cho cộng đồng dân cư địa phương và du khách có cơ hội hòa mình với biển. Tại đây cũng sẽ có những nhưng khu vui chơi giải trí, nâng tầm du lịch của Cát Bà lên một đẳng cấp khác.
WATG kỳ vọng trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành "điểm đến thông minh, thân thiện với môi trường".
Ủng hộ với chiến lược phát triển du lịch sinh thái, biến đảo Cát Bà trở thành "đảo không khói xe", ông Phạm Hà - Chủ tịch kiêm CEO Lux Group cho rằng đảo Cát Bà hiện được xem là "viên ngọc thô" còn sót lại của Việt Nam và đã được công nhận là di sản của thế giới.
Theo đánh giá của ông Hà, quá trình hình thành lâu dài của đảo đã góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng.
Cát Bà sở hữu hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng trên cạn, hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dụng cùng hệ động và thực vật phong phú quý hiếm.
Hòa chung vào dòng chảy của "du lịch xanh, phát triển xanh" của thế giới, đảo Cát Bà được cho là "mỏ vàng" sở hữu nguồn tài nguyên đáng giá.
Do diện tích không quá lớn, nơi đây sẽ nhắm đến các đối tượng là khách du lịch cao cấp thay vì khách đại trà.
Ông Hà đánh giá, nếu như thực hiện đúng theo quy hoạch, đảo Cát Bà không chỉ giúp Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung tăng tính cạnh tranh của điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới mà còn tạo nên một khu du lịch lý tưởng cho người dân trong nước.
Hải Phòng được thiên nhiên ưu ái ban tặng 2 danh lam thắng cảnh vô cùng nổi tiếng là Cát Bà và Đồ Sơn cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa và làng nghề.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát triển thiếu quy hoạch bài bản, nhiều điểm đến của Hải Phòng đã "hụt hơi" trong cuộc đua với những "người anh em sát vách" như Quảng Ninh.
Trong khi tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 17 triệu lượt khách trong năm 2024 thì "giấc mơ" 10 triệu khách du lịch/năm của Hải Phòng vẫn chưa chạm đến.
Các chuyên gia du lịch cho rằng đã đến lúc Hải Phòng "đánh thức" lại ngành du lịch của tỉnh, khai thác triệt để những lợi thế hiếm có mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi này.