Bình Dương hợp tác với Bình Phước triển khai cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành
Ngày 12/3, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã tổ chức sơ kết quy chế hợp tác giữa 2 tỉnh, giai đoạn 2014-2020 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo đánh giá kết quả hợp tác giai đoạn 2014-2020 cho thấy, chương trình hợp tác giữa hai địa phương đã được lãnh đạo hai tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát; các sở, ban, ngành đã chủ động xây dựng các nội dung công việc cụ thể để triển khai thực hiện.
Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 50 dự án của các nhà đầu tư Bình Dương với tổng vốn đăng ký khoảng 2.900 tỷ đồng, tập trung vào các ngành nghề: Đầu tư khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trang trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản…
Trong đó có nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu liên hợp Công nghiệp và Đô thị Becamex Bình Phước; dự án Khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú; dự án khai thác khoáng sản đá xây dựng tại xã Tam Lập, huyện Đồng Phú; dự án Cảng cạn ICD Hoa Lư, Trung tâm Thương mại Dịch vụ Hoa Lư; dự án đường Đồng Phú - Bình Dương.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ tỉnh Bình Phước trong nhiều hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ 65 tỷ đồng xây dựng Trường THPT chuyên Bình Long; 10 tỷ đồng xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; 5 tỷ đồng xây dựng nhà đại đoàn kết…
Kết quả thực hiện chương trình hợp tác đã tạo niềm tin, tình cảm gắn bó, đoàn kết truyền thống giữa hai tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận để thống nhất một số nội dung liên quan trong công tác phối hợp tham mưu đề xuất triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có chiều dài 69km, với điểm đầu tại ngã tư Bình Phước (TP.HCM), điểm cuối tại Chơn Thành (tỉnh Bình Phước); quy mô từ 6-9 làn xe, tiến trình đầu tư định hướng đến năm 2030, khai toán kinh phí khoảng 24.150 tỷ đồng.
Đoạn qua tỉnh Bình Dương xây dựng trên cao dự kiến 28km, đoạn đi dưới thấp dài 32km, dự kiến xây dựng khoảng 10 cầu vượt; định hướng đầu tư đường cao tốc với 6-8 làn xe, mặt cắt nền đường khoảng 64m.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước đề xuất đầu tư quy mô 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đăk Nông - Chơn Thành dự kiến sẽ đấu nối trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đề nghị UBND 2 tỉnh tiếp tục phối hợp hoàn chỉnh báo cáo đánh giá chương trình hợp tác, trên cơ sở đó xây dựng chương trình hợp tác toàn diện thời gian tới.
Ông Lợi đánh giá, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành không chỉ kết nối 3 địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên.
“Đề nghị Sở Giao thông vận tải 2 tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thống nhất hướng tuyến, chiều dài toàn tuyến, quy mô, tổng mức đầu tư để báo cáo xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam thống nhất giao UBND 2 tỉnh hoàn chỉnh báo cáo đánh giá chương trình hợp tác giữa hai địa phương và xây dựng chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2021-2026, trong đó đặc biệt lưu ý các hoạt động đầu tư kết nối hạ tầng giao thông.
“Bình Dương cơ bản thống nhất với phương án đề xuất đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu để tham mưu 2 tỉnh phương án đấu nối các tuyến đường, các nút giao… để bảo đảm tính khả thi, tránh bị động khi triển khai thực hiện”, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương nhấn mạnh.