Bình Thuận cần hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để xây nhà ở xã hội
UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến đến năm 2030 sẽ hoàn thành 9.800 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành 5.600 căn, giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành 4.200 căn.
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 9.800 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành 5.600 căn, giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành 4.200 căn.
Để thực hiện được mục tiêu này, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ công khai, giới thiệu quỹ đất nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập quy mô lớn tại các vị trí phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Bên cạnh giải pháp đơn giản hoá, rút ngắn thủ tục trong quá trình lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, UBND tỉnh Bình Thuận khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội song song với đầu tư dự án khu đô thị, nhà ở thương mại.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân cần chú trọng đầu tư nhà lưu trú cho người lao động thuê.
Theo chương trình phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 8 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với tổng quy mô 78ha đất, chủ yếu tập trung tại huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết.
Tuy nhiên, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành vẫn còn khiêm tốn. Chỉ có 3 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một phần, là nhà ở công nhân tại Thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc và hai khu nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu Công nghiệp Hàm Kiệm 1 và Hàm Kiệm 2, huyện Hàm Thuận Nam.
Các huyện như Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh hay Phú Quý không có dự án nhà ở xã hội nào.
UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ dành 62ha đất để phát triển thêm 4 dự án nhà ở xã hội.
4 dự án bao gồm: Khu nhà ở xã hội Tiến Lợi (phường Tiến Lợi, TP. Phan Thiết); 2 dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đông Tân Thiện và Khu đô thị mới Tây Tân Thiện, phường Tân Thiện, thị xã La Gi; và nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp Tân Đức, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân.
Trong kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 mà UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2023 dự kiến đạt khoảng 24,9 m2 sàn/người. Trong đó: khu vực đô thị 25,7 m2 sàn/người; khu vực nông thôn 24,5 m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu 9,2 m2 sàn/người.
Tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 1.338.819 m2 sàn, chi tiết gồm: nhà ở thương mại (164.000 m2); nhà ở tái định cư (37.040 m2); nhà ở xã hội (184.221 m2); nhà ở người dân tự xây (953.558 m2).
Địa phương dự kiến cần khoảng 7.774,49 tỷ đồng để phát triển nhà ở. Trong đó sẽ dành 1.886 tỷ đồng cho nhà ở thương mại; 174,09 tỷ đồng cho nhà ở tái định cư; 4.481,72 tỷ đồng đối với nhà ở dân tự xây.
Đáng chú ý, tỉnh dành 1.265,42 tỷ đồng để xây dựng và phát triển nhà ở xã hội.
Để đạt mục tiêu trên, dự kiến sẽ huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng để phát triển nhà ở thương mại. Trong khi vốn đầu tư nhà ở xã hội ngoài huy động xã hội hóa từ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi sẽ thêm nguồn từ ngân hàng chính sách xã hội; nhà ở riêng lẻ tự xây của người dân sẽ bằng nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình.
Quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được phê duyệt, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất bố trí tái định cư phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
Dự kiến diện tích đất ở phát triển nhà ở trong năm 2023 khoảng 212,4 ha, bao gồm: Đất ở để nhà dân tự xây (158,93 ha); đất ở cho nhà ở tái định cư (6,17 ha); đất ở phát triển nhà ở xã hội (25,03 ha); đất ở phát triển nhà ở thương mại (22,3 ha).