Bộ Giáo dục - Đào tạo: 6 tháng không giải ngân được ODA, tính trả vốn cho ngân sách
Tính đến hết ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành chỉ đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao. Có bộ ngành gần như không thể giải ngân được vốn và dự kiến phải trả lại cho ngân sách.
Thông tin từ hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài mới đây cho thấy, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, 6 tháng đầu năm gần như không giải ngân được vốn ODA. Bộ này vướng "mắc" nhất trong việc thẩm định dự án, khó khăn trong việc tìm đơn vị thẩm định... Do đó, Bộ dự kiến phấn đấu cả năm giải ngân được 350 tỷ đồng, còn 280 tỷ xin trả lại cho ngân sách.
Đây là một ví dụ điển hình về ách tác giải ngân vốn đầu tư công có nguồn từ nước ngoài.
Ông Võ Hữu Hiển - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (DMEF, Bộ Tài chính) cho biết, tính đến hết ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành chỉ đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao.
Dự kiến đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành có thể đạt khoảng 15 - 17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong thời kỳ 2021-2023.
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 (27,2%), 6 tháng đầu năm 2022 (15,9%) và cao hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 (12,11%). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân này còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Qua quá trình làm việc với các địa phương, các dự án và theo dõi số liệu giải ngân của các dự án, Bộ Tài chính thấy nổi lên các vướng mắc tập trung vào việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án; vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân; vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, một trong những yếu tố quyết định tiến độ và hiệu quả của đầu tư công là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.
Thực tế cho thấy cùng một thể chế, cùng một chính sách như nhau, nhưng có những địa phương, có những ngành đã vượt qua được rào cản và khắc phục được những nguyên nhân về thể chế, khách quan, chủ quan… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
“Ở đâu có vốn thì ở đấy phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công vào là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế và chính lợi ích của địa phương, của ngành đó”, TS. Cung nói.
Để giải bài toán chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công một cách triệt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cho rằng cần đề cao vai trò lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương. Người đứng đầu các cơ quan phải quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Đồng thời nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành.
“Nếu bộ, ngành nào tiếp tục chậm trễ trong giải ngân vốn phải cắt, chuyển vốn cho đơn vị có trách nhiệm, đang cần vốn để sử dụng vốn hiệu quả hơn”, ông Thịnh nói.