Hà Nội muốn dùng vốn ODA làm tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc

Đây là một trong những nội dung trong 5 nhóm kiến nghị của TP. Hà Nội đề xuất với Chính phủ tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vào ngày 6/5.

Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, ưu tiên cho thành phố sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc. (Ảnh minh họa)
Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, ưu tiên cho thành phố sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc. (Ảnh minh họa)

Theo đó, nhóm kiến nghị thứ nhất về dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, Hà Nội có 3 kiến nghị cụ thể.

Một là về các nội dung phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.

Đồng thời tổng hợp, gửi UBND TP. Hà Nội là cơ quan đầu mối để chủ trì tổng hợp các nội dung liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (nếu có).

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư, Hà Nội đề nghị cho phép thành phố chủ động thực hiện điều hòa, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.1 và 2.1 trong trường hợp tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần vượt (có dự án tăng/giảm) nhưng tổng mức đầu tư của cả 2 dự án thành phần này không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư, được thực hiện đồng thời với việc thực hiện nội dung điều chỉnh chủ trương dự án (nếu có).

Hai là để giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai các tiểu dự án trong dự án PPP, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thi công toàn tuyến bao gồm 3 cầu lớn (Hồng Hà, Mễ Sở và Hoài Thượng) và hệ thống đường song hành do 3 địa phương đồng loạt triển khai, Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND TP. Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP.

Tuy nhiên việc triển khai theo phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi Luật PPP, Nghị định số 99 của Chính phủ về việc thanh toán tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP.

Ba là về việc áp dụng cơ chế đặc thù của dự án đường Vành đai 4, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như nhà thầu thi công dự án.

Nhóm kiến nghị thứ hai có 7 kiến nghị cụ thể về các tuyến đường sắt đô thị. Theo đó, ngoài tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đang khai thác, tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện đang triển khai thi công, 7 tuyến còn lại (tuyến số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8) đều chưa được triển khai.

Trên cơ sở đó, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể về chủ trương đầu tư, nguồn vốn, cho ý kiến về chủ trương đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục, đầu tư xây dựng...

Trong đó, thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5/2023) và cho phép UBND thành phố được thực hiện thanh toán từ nguồn vốn ứng trước của ngân sách thành phố để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn của dự án trong thời gian hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và gia hạn các khoản vay ODA của dự án.

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc), để bảo đảm việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên cho thành phố sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án.

Nhóm kiến nghị thứ ba gồm 4 kiến nghị về lĩnh vực nhà ở. Trong đó, đáng chú ý, về phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô khoảng 2ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung.

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Nhóm kiến nghị thứ tư gồm 3 kiến nghị về đất đai. Cụ thể, về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ Phát triển đất, thành phố kiến nghị, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, trong đó đối tượng ứng vốn bao gồm cả các dự án đầu tư công, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất.

Về giá đất, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44 theo hướng áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Ngoài ra, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích đất trồng lúa đối với 8 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Nhóm kiến nghị thứ năm là về tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội. Hiện nay, thành phố đang phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi với 9 nhóm chính sách lớn, trong đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho thành phố 10 nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 3 nguyên tắc giải quyết các kiến nghị này.

Theo đó, thứ nhất, các Bộ trưởng trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ. Thứ hai, những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các Bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất. Nguyên tắc thứ ba là bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời. Thủ tướng giao Hà Nội rà soát, thống kê các công việc đang vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5.

Trong đó, với các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vướng mắc liên quan tới dự án, Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về vốn, Bộ Giao thông Vận tải xử lý các vướng mắc liên quan tới hướng tuyến; hoàn thành trong quý II/2023.

Liên quan đến tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc, tháng 9/2020, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Theo kết quả nghiên cứu của UBND TP. Hà Nội, tuyến số 5 có chiều dài toàn tuyến 38,43km, gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất.

Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.

Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD. Trong đó, chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng. Dự kiến được sẽ đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. 

Thời điểm đó, Hà Nội đề xuất dự án được đầu tư bằng ngân sách thành phố, gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước 18.000 - 20.000 tỷ đồng; vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Chí Bình

Theo VietnamFinance