Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra thêm 10 doanh nghiệp bảo hiểm
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, từ nay đến hết năm 2023, cơ quan này sẽ tiếp tục kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, giúp thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người dùng và doanh nghiệp.
Trả lời báo chí về kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc và hiệu quả nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ liên quan đến thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Theo ông Chi, thời gian qua, thị trường bảo hiểm xuất hiện nhiều vấn đề bất cập. Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và công bố kết quả của các đợt thanh kiểm tra.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết thêm trong thời gian tới, cơ quan này sẽ ban hành các quyết định xử phạt, nhằm xử lý nghiêm vi phạm của các doanh nghiệp.
Trong thời gian từ nay tới cuối năm, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng tiết lộ sẽ thực hiện thực hiện thêm 10 cuộc thanh tra với các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó có 5 doanh nghiệp bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
"Bộ Tài chính sẽ phối hợp với phía Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng, nhằm giúp thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người dùng và doanh nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Trước đó vào đầu tháng 7, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra chuyên đề tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Kết quả cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên...
Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Tại MB Ageas, các quy trình, quy chế của đơn vị này chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức là ngân hàng MB. Quy trình tuyển dụng, đào tạo đại lý kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chưa có bước đối soát với ngân hàng về danh sách nhân viên tham gia đào tạo trước khi tổ chức đào tạo.
Ở Prudential, công ty này được xác định đã áp dụng các yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Từ đó dẫn đến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng bảo hiểm thuộc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ với số tiền giảm dần (Bảo Tín Hưng Gia) khai thác qua Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam trong năm 2021, vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 39 Nghị định số 73 của Chính phủ.
Còn tại Sun Life, qua thanh tra chọn mẫu, cơ quan chức năng cũng phát hiện 44 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.