Doanh nghiệp cần có chiến lược ứng dụng Blockchain để giảm gian lận, trục lợi bảo hiểm
Ứng dụng Blockchain giúp doanh nghiệp bảo hiểm giảm được hoạt động gian lận và trục lợi. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược về nền tảng số cũng như đầu tư tài chính xây dựng hệ thống Blockchain…
Theo TS Hoàng Minh Tuấn - Trường Đại học Lao động - Xã hội, chuyển đổi số trong ứng dụng công nghệ Blockchain mang lại nhiều giá trị cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
Về quản lý chuỗi cung ứng các sản phẩm bảo hiểm, một DNBH sẽ mua các thành phần từ một chuỗi các nhà cung ứng, sau đó tính toán các rủi ro và đưa sản phẩm bảo hiểm hoàn chỉnh ra thị trường.
Lợi ích chính mà Blockchain mang lại trong chuỗi cung ứng là khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo hiểm với tính bảo mật và minh bạch cao. Blockchain cho phép lưu trữ số hóa mọi thông tin về các sản phẩm bảo hiểm cung cấp.
Một mã nhận dạng duy nhất sẽ được cấp cho mỗi sản phẩm hoặc một dòng sản phẩm. Với mã này, các DNBH có thể theo dõi sản phẩm của mình trong suốt chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp cần có chiến lược ứng dụng Blockchain để giảm gian lận, trục lợi bảo hiểm.
“Tất cả thông tin đều được lưu trữ trên hệ thống Blockchain giúp quá trình kiểm toán giá trị gia tăng trở nên dễ dàng hơn. Blockchain đảm bảo giá trị minh bạch và bền vững của sản phẩm, của DNBH”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, các hệ thống bảo hiểm truyền thống có thể dẫn đến nhiều hành vi gian lận, đòi hỏi lượng lớn công việc giấy tờ. Dữ liệu khách hàng được lưu trữ phân tán trên các cơ sở dữ liệu khác nhau của các công ty bảo hiểm và bệnh viện. Bởi vậy, khả năng trùng lặp thông tin rất lớn, dẫn đến tỷ lệ sai sót cao trong quá trình xác nhận quyền sở hữu.
Khi sử dụng Blockchain trong kinh doanh hệ thống ngành bảo hiểm, tất cả thông tin người dùng được lưu trữ một cách xác thực và vĩnh viễn trên cơ sở dữ liệu Blockchain.
Dữ liệu có thể được sử dụng để phân tích và dự đoán hành vi gian lận của người dùng từ lịch sử giao dịch của họ nhanh hơn và thuận tiện hơn. Đồng thời, tiết kiệm quỹ thời gian cho quy trình giải quyết các quy trình bảo hiểm, tăng sự tương tác và tin tưởng từ phía khách hàng và giảm các chi phí phát sinh không cần thiết.
Tuy nhiên, khi khi ứng dụng Blockchain vào chuyển đổi số, DNBH phải có chiến lược về nền tảng số cũng như đầu tư tài chính xây dựng hệ thống Blockchain, đặc biệt, trong bối cảnh nền tảng chuyển đổi số ở nước ta chưa cao.
Cụ thể, theo ông Tuấn, DNBH cần tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, báo chí về công nghệ Blockchain do tâm lý sợ bị lừa đảo của khách hàng khi giao dịch trực tuyến, nhất là những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn.
Từng bước xây dựng nền tảng số để vận dụng công nghệ Blockchain tốt nhất. Trước mắt, DNBH cần làm nổi bật tính tương tác với khách hàng để tạo niềm tin cho khách hàng khi họ cần tư vấn để tham gia hợp đồng mới hoặc tái ký hợp đồng bảo hiểm.
“Các DNBH cần có chiến lược tài chính cho vấn đề này bởi khi DNBH vận hành hệ thống Blockchain thì phải chi phí cho các nhà phát triển, các nhà vận hành hệ thống. Quá trình này đòi hỏi chi phí lớn, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của DNBH trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các cơ quan lập pháp nên nghiên cứu ban hành hệ thống pháp luật khi sử dụng công nghệ Blockchain để làm căn cứ cho các DNBH thử nghiệm, áp dụng”, ông Tuấn khuyến nghị.