Bộ Xây dựng đề xuất xử phạt kịch khung 800 triệu - 1 tỷ đồng vi phạm xây dựng và kinh doanh bất động sản
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Tờ trình và Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có đề xuất xử phạt kịch khung 800 triệu - 1 tỷ đồng vi phạm xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Đề xuất xử phạt 800 triệu - 1 tỷ đồng vi phạm xây dựng và kinh doanh bất động sản
Tại tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định, Bộ Xây dựng đánh giá sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139), việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của nghị định này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc ổn định, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước ngành xây dựng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Trong đó, việc quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung như: Xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt như hiện nay là chưa phù hợp; không có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.
Dự thảo lần này đã đưa vào các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư).
Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.
Dự thảo cũng tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.
Các hành vi như huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết… cũng sẽ áp dụng mức phạt 800 triệu đồng.
Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ là 300 triệu đồng.
Vi phạm tràn lan, chủ đầu tư không ngại đóng tiền phạt
Thực tế thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản diễn ra tràn lan, bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm do mức xử phạt còn thấp.
Đối với lĩnh vực trật tự xây dựng, thời gian gần đây dự án An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư được cơ quan chức năng địa phương xác định là thi công không phép, bị yêu cầu dừng nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xây dựng.
Với hành vi này, ngày 27/4 UBND huyện Hoài Đức đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty An Lạc, số tiền bị xử phạt là 40 triệu đồng.
Tuy nhiên sau đó, Đoàn kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt công trình xây dựng không phép huyện Hoài Đức phát hiện công trình này vẫn tiếp tục thi công xây dựng. Vì vậy, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty An Lạc dừng ngay mọi hoạt động thi công tại công trình không phép này. Đồng thời, công ty phải khẩn trương liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền để được cấp giấy phép xây dựng cho dự án.
Ngoài ra, thời gian qua, thị trường bất động sản xuất hiện hàng loạt dự án có dấu hiệu rao bán khi chưa đủ điều kiện như: Khu đô thị thương mại dịch vụ Bắc Hội An (La Queenara Hội An), dự án Khu đô thị mới Cồn Khương (Cần Thơ), Eco Smart City Cổ Linh (Hà Nội), dự án Hamilton Garden và Khu dân cư Rồng Vàng (Long An)…
Tại dự án La Queenara Hội An, theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, dự án hiện đang trong quá trình triển khai thực hiện, đã thi công xong hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích đất được giao, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, các sản phẩm tại La Queenara Hội An đã được rao bán rầm rộ trên thị trường. Các shoptel tại dự án này đang được môi giới rao bán với giá từ 7 – 8 tỷ đồng đối với những căn khoảng 100m2, và khoảng 12 tỷ đồng đối với những sản phẩm khoảng 140m2.
Theo các thông tin quảng cáo, Eco Smart City Cổ Linh có hơn 1000 căn hộ cao cấp, diện tích khoảng từ 40-77m2. Giá bán khởi điểm dự kiến trên 40 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 1,9-3,4 tỷ/căn hộ, hiện dự án bắt đầu nhận đặt cọc thiện chí với số tiền 30 triệu đồng…
Ngoài dự án Eco Smart City Cổ Linh, tại Hà Nội còn có dự án Lavender Garden (176 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) dù mới đang trong giai đoạn thi công phần móng nhưng cũng đã được quảng cáo, rao bán công khai trên các website, mạng xã hội.
Tương tự tại Cần Thơ, dự án Khu đô thị mới Cồn Khương tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, dù chưa đủ điều kiện mở bán nhưng trên một số website đang đưa ra mức giá bán tham khảo các sản phẩm dự án này vào khoảng 17 triệu/m2 và giá bán dự kiến 3,9 – 4,4 tỷ đồng/căn với diện tích đất 100m2, hình thức bàn giao sản phẩm nhà phố là hoàn thiện bên ngoài, thô bên trong…