Bức tranh kinh tế tiềm năng của tỉnh Yên Bái với những cơ hội đầu tư hấp dẫn

“Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá” là chủ đề của Hội thảo do Báo Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức diễn ra ngày 17/12 tại Trung tâm Văn hóa Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

 

Bức tranh kinh tế tiềm năng của tỉnh Yên Bái với những cơ hội đầu tư hấp dẫn - Ảnh 1
Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá.

Với chủ đề Phát triển bất động sản và hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá, Hội thảo tập trung đi sâu phân tích về hiện trạng kinh tế, tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư Bất động sản và hạ tầng du lịch tại Yên Bái. Đồng thời là những quan điểm, góc nhìn, đánh giá về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Yên Bái với sự trỗi dậy của vùng đất mới - Điểm đến đầu tư Bất động sản và Hạ tầng Du lịch.

Qua đó, thấy được bức tranh toàn cảnh về hoạt động của các doanh nghiệp đang đầu tư và xúc tiến đầu tư vào Bất động sản và Hạ tầng Du lịch Yên Bái. Đặc biệt, là chính sách cũng như môi trường đầu tư của chính quyền tỉnh Yên Bái trong phát triển Bất động sản và Hạ tầng Du lịch hiện nay.

Đây cũng là cơ hội để nhà quản lý nhà nước tại địa phương, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cùng nhìn lại bức tranh kinh tế tiềm năng của tỉnh Yên Bái với những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Đồng thời, phân tích rõ các hiện trạng, vấn đề bất cập trong thu hút đầu tư của tỉnh, để các nhà đầu tư có thể thấy rõ cơ hội và đề xuất kiến nghị với địa phương nhằm đưa ra các giải pháp phát triển thế mạnh của tỉnh về phát hạ tầng, du lịch và bất động sản.

Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, tốc độ tăng GRDP của tỉnh Yên Bái năm 2021 đạt 7,11%, cao hơn năm 2020 là 1,66%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 14 tỉnh miền núi Trung du phía Bắc trong năm 2021. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh Yên Bái chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ.

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho thấy, điểm sáng lớn nhất của Yên Bái trong năm 2021 là việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới.

Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương cũng như của tỉnh về thu hút đầu tư nên tính đến cuối năm 2021, tỉnh Yên Bái có trên 540 dự án đầu tư được cấp chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 78.926 tỷ đồng và 382 triệu USD.

Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng 396 dự án; thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác 105 dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh Yên Bái đã chấp thuận khoảng 60 dự án cho các nhà đầu tư tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch, đề xuất đầu tư trên địa bàn.

Mặt khác, hàng loạt các doanh nghiệp, Tập đoàn bất động sản đã đổ bộ đến đầu tư tại tỉnh Yên Bái như: Sungroup, Vingroup, Ariyana homes, Alphanam, Eurowindow Holdings…

Tuy nhiên, số lượng các nhà đầu tư hiện nay tại Yên Bái được các chuyên gia nhận định vẫn là hạn chế so với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Vì vậy, Yên Bái vẫn cần có cơ chế chính sách thu hút, thúc đẩy các nhà đầu tư tại địa phương.

Từ nay đến cuối năm 2022, Yên Bái sẽ tổ chức rất nhiều lễ hội quy mô hàng chục nghìn người, đặc biệt là Lễ đón nhận bằng của UNESSCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò; khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022….

Từ tháng 9 đến tháng 12/2022 các địa phương thuộc tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động như: Festival Dù lượn “Bay trên mùa vàng”, “Bay trên miền danh thắng” - Khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải bằng máy bay trực thăng…

Bức tranh kinh tế tiềm năng của tỉnh Yên Bái với những cơ hội đầu tư hấp dẫn - Ảnh 2

Yên Bái tổ chức rất nhiều lễ hội quy mô lớn.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đang rất nỗ lực triển khai các kế hoạch, hành động nhằm phát triển kinh tế - du lịch của Tỉnh và cũng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, Chính quyền cùng nhau phối hợp, bàn bạc, thúc đẩy phát triển bất động sản, du lịch bứt phá trong thời gian tới.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, nguồn cung bất động sản khó khăn, số lượng các dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án hoàn thành là 63 dự án, bằng khoảng 50,4% so với cùng kỳ năm 2021; Số lượng dự án đang triển khai xây dựng là 1.102 dự án, bằng khoảng 156,7% so với cùng kỳ năm 2021; Số lượng dự án được chấp thuận mới là 104 dự án, bằng khoảng 51% so với cùng kỳ năm 2021; Số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai là 193 dự án, bằng khoảng 76% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng Quý III/2022: Số lượng dự án hoàn thành là 17 dự án, bằng khoảng 71% so với Quý II/2022 và bằng khoảng 34% so với cùng kỳ năm 2021; Số lượng dự án đang triển khai xây dựng là 1.148 dự án, tương đương với Quý II/2022 và bằng khoảng 163,3% so với cùng kỳ năm 2021; Số lượng dự án được cấp phép mới là 36 dự án, bằng khoảng 124% so với Quý II/2022 và bằng khoảng 92,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường; Giá bất động sản các phân khúc vẫn giữ ở mức cao.

Ngoài ra, lượng giao dịch, thanh khoản bất động sản giảm mạnh từ Quý III đến nay. Lũy kế 09 tháng đầu năm 2022 có 139.350 giao dịch, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 250% so với cùng kỳ năm 2021; Trong Quý III có 51.003 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 73,8% so với Quý trước; Lượng giao dịch đất nền Quý III/2022 đạt 115.129 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 54% so với Quý trước.

Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn, không có dòng tiền để trả nợ dẫn đến phải giãn tiến độ, tạm dừng dự án, cắt giảm nhân sự, không bán được sản phẩm để thu hồi vốn; Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp...

Theo đó, Bộ Xây dựng đã tích cực, chủ động phối hợp làm việc với các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp (Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022).

Để giải quyết bài toán đối với doanh nghiệp bất động sản, các dự án bất động sản trong năm 2023 cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và Phát triển