Yên Bái: Chính sách, môi trường đầu tư và hành động trong phát triển bất động sản, hạ tầng Du lịch
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sáng 17/12, tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), Báo Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo: "Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá". Đây là cơ hội để nhà quản lý Nhà nước tại địa phương, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cùng nhìn lại bức tranh kinh tế tiềm năng của tỉnh Yên Bái với những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá
Hội thảo tập trung đi sâu phân tích về hiện trạng kinh tế, tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư bất động sản và hạ tầng du lịch tại Yên Bái; Yên Bái sự trỗi dậy của vùng đất mới - Điểm đến đầu tư Bất động sản và Hạ tầng Du lịch; Bức tranh chung các Doanh nghiệp đang đầu tư và xúc tiến đầu tư vào Bất động sản và Hạ tầng Du lịch Yên Bái; Chính sách, môi trường đầu tư và hành động của chính quyền tỉnh Yên Bái trong phát triển Bất động sản và Hạ tầng Du lịch Yên Bái.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Bộ Xây dựng, Tổng biên tập Báo Xây dựng. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Bộ Xây dựng, Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Yên Bái là một tỉnh nằm ở khu vực trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Đông Bắc và Thủ đô Hà Nội. Đây chính là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, là địa phương có tiềm năng thế mạnh đặc biệt về địa hình, khí hậu, thổ những, cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng giao thông, quỹ đất, tài nguyên du lịch, khoáng sản và nguồn nhân lực...
Hiện nay, Yên Bái đang dần chuyển dịch nhanh chóng để khai thác những lợi thế về vị thế chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng để phát triển du lịch, bất động sản. Tất cả những yếu tố này đang trở thành tiền đề thuận lợi để đưa Yên Bái trở thành một thị trường bất động sản sôi động trong thời gian tới. Nhiều Tập đoàn, Doanh nghiệp lớn đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư vào địa phương như Tập đoàn Vin Group, Eurowindow Holding, BB Group, TNR Holding, IDC Holding, TH Group... và nhiều nhà đầu tư khác đang tìm hiểu xúc tiến đầu tư dự án mới tại địa phương.
Dù vậy, mặt bằng chung, tỉnh Yên Bái vẫn thiếu nhiều cở sở hạ tầng du lịch và các khu đô thị, các dự án bất động sản xứng tầm, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có nguồn lực mạnh và kinh nghiệm, các nhà đầu tư kinh doanh hoạt động chuyên biệt về phân khúc ngách và kinh doanh dịch vụ đặc biệt chất lượng cao, thương hiệu mạnh, tôn vinh giá trị độc bản...
Yên Bái có lợi thế bất động sản, cảnh quan du lịch, địa hình khí hậu thổ nhưỡng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Yên Bái là đầu mối giao thông quan trọng, với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Tây Bắc. Thời gian qua, các cấp chính quyền Yên Bái đã tích cực kêu gọi, tạo điều kiện, không ngừng thay đổi để thu hút đầu tư, gia tăng năng lực cạnh tranh. Hàng loạt các công trình đã được hoàn thành và đi vào hoạt động.
Yên Bái cũng là địa phương hiện đang chứng kiến những tín hiệu kinh tế lạc quan với nhiều cú hích về hạ tầng giao thông và thương hiệu điểm đến du lịch hấp dẫn. Đáng kể nhất là thống kê số liệu dòng vốn đầu tư ước tính lên đến hơn 4 tỷ USD cùng sự xuất hiện của các doanh nghiệp giàu tiềm lực đang mở ra một tương lai đáng chờ đợi. Đặc biệt, con số về tăng trưởng lượng khách du lịch năm 2022 của tỉnh ấn tượng đạt gần 1,6 triệu khách, gấp 2 lần so với năm 2021.
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). |
Ông Hải nhận định, việc chú trọng đến đầu tư hạ tầng giao thông, cao tốc, hạ tầng du lịch, nhà ở, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, với phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp đều được quan tâm. Điều này góp phần làm diện mạo địa phương một thay đổi, nhiều khu đô thị đã được đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo nên nét văn hoá mới về văn hoá sống, chất lượng sống, không gian sống cho người dân.
Nơi đây còn có thế mạnh trong công tác quy hoạch mới không gian đô thị, quy hoạch vùng, minh bạch thông tin, cơ cấu sản phẩm hợp lý đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân gắn với chỉnh trang đô thị…
Ông Hải nhấn mạnh, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt lợi thế bất động sản, cảnh quan du lịch, địa hình khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt Yên Bái còn rất nhiều tiềm năng phát triển trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư cũng như xây dựng thành công thương du lịch nổi tiếng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, so với các địa phương khác cùng vành đai quanh Hà Nội, nguồn cung bất động sản và cơ sở hạ tầng du lịch Yên Bái còn hạn chế và thiếu sự đa dạng, thiếu các dự án quy mô, được đầu tư bài bản đồng bộ.
Để thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, phát triển bất động sản và hạ tầng du lịch có bước đột phá, Yên Bái cần làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai. Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông; tập trung phát triển một số ngành chủ lực như du lịch, khai thác, phát triển dược liệu; tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân...
Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin nhiễu loạn. Đồng thời, Yên Bái cần kiểm soát tốt tình hình thị trường bất động sản để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Ông Hoàng Hải cho hay, thách thức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, cũng cần nghiên cứu cân nhắc việc không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Mà phải cần bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn vùng sinh quyển đã được quy hoạch và công nhận, ổn định an sinh xã hội. Sàng lọc năng lực chủ đầu tư, kiên quyết loại bỏ các dự án xử lý môi trường kém, có nguy cơ gây tụt hậu ảnh hưởng đển môi trường đầu tư của tỉnh.
Là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Xây dựng, bất động sản, Bộ Xây dựng luôn hỗ trợ, tạo điều kiện đồng hành của địa phương trong công tác phát huy mọi tiềm năng thế mạnh để Yên Bái trở thành cực tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Bất động sản nghỉ dưỡng, công nghiệp chưa phát triển tương xứng với hạ tầng
Báo cáo về kết quả thu hút đầu tư, đóng góp của bất động sản trên địa bàn tỉnh, ông Trần Thanh Chương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái cho biết, Trong năm 2021, 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên kinh tế tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022 đạt 8,62%, nằm trong những tỉnh tăng trưởng cao, đứng thứ 8/14 tỉnh trong vùng và thứ 33 cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 20,85%; hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đầu tư.
Về đóng góp của bất động sản trong nền kinh tế, theo dự ước các dự án bất động sản đóng góp khoảng 20-25% thu ngân sách của tỉnh Yên Bái (nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án khu đô thị, nhà ở, đất nền...).
Về kết quả thu hút đầu tư, đến nay, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 599 dự án với tổng số vốn đăng ký 91.282 tỷ đồng và 382 triệu USD. Một số nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn APEC, Tập đoàn BB Group, Tập đoàn TH, Euro Window, Hoa Sen, Bảo Lai... đã và đang nghiên cứu cơ hội đầu tư, triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái.
Về đầu tư bất động sản và hạ tầng du lịch, hiện tỉnh Yên Bái đã phê duyệt chủ trương đầu tư (đấu giá, đấu thầu) 26 dự án bất động sản, tổng vốn đầu tư khoảng 13.400 tỷ đồng…Tỉnh Yên Bái cũng đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 13.200 tỷ đồng.
Về bất động sản công nghiệp (khu, cụm công nghiệp): Chưa có các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Năm 2022 mới triển khai thủ tục thành lập và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cho Khu công nghiệp Trấn Yên; Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1… để xem xét, chấp thuận chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu, Cụm công nghiệp.
Như vậy, kết quả thu hút đầu tư cho thấy, bất động sản Yên Bái mới chỉ tập trung vào sử dụng đất ở đô thị; còn các loại bất động sản công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh..
Về môi trường đầu tư, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua. Chỉ số PCI của tỉnh đã duy trì được xu hướng cải thiện tích cực, trung bình mỗi năm tăng 0,65 điểm và 1,5 bậc. Năm 2021, các chỉ số có sự cải thiện mạnh mẽ như: Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Tiếp cận đất đai xếp thứ 5/63; Chỉ số tính minh bạch xếp thứ 9/63. Cùng với đó là tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đất đai; du lịch; khoáng sản với trữ lượng lớn.
Với khá nhiều lợi thế, tiềm năng, tuy nhiên, tỉnh Yên Bái chưa khai thác, phát huy tối đa hiệu quả để biến thành lợi thế, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh do còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để thu hút đầu tư, phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch, thời gian tới, tôi đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ về đầu tư, đất đai, đấu thầu, kinh doanh bất động sản…; Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, gồm quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành, làm cơ sở định hướng cho việc thu hút đầu tư hiệu quả và bền vững...; Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng…
Lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng
Ông Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh Yên Bái quan tâm và tập trung chỉ đạo là “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Yên Bái (trung tâm tỉnh lỵ) trở thành một thành phố đáng sống theo quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” và là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh. Thị xã Nghĩa Lộ là đô thị xã văn hóa và động lực phát triển kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh.
Ông Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. |
Về phát triển du lịch, Yên Bái là một tỉnh miền núi, với phong cảnh thiên nhiên đa dạng và nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn (như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, du lịch sinh thái Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò, di tích cách mạng chiến khu Vần, Căng Đồn, Nghĩa Lộ…) và với trên 30 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc mang đậm một bản sắc, văn hoá riêng là thế mạnh trong việc thu hút khách du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt như: du lịch nghỉ dưỡng cấp cao, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái... Những lợi thế này đang được tỉnh Yên Bái cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà... và định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Trong thời gian qua, thị trường bất động sản tỉnh Yên Bái đã hình thành và đang đà phát triển; hạ tầng du lịch là nhu cầu quan trọng và đi trước một bước trong phát triển du lịch đã được rất nhiều các Nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vì vậy, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung các nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch làm cơ sở để phát triển thị trường bất động sản, xem đây là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phát triển quan trọng hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.