Bước vào thị trường 110 tỷ USD: DN xi măng ngoại đang vượt nội

Các doanh nghiệp như SCG, FiCO, INSEE hay Xuân Thành đã bước đầu đưa ra thị trường các sản phẩm xi măng xanh phát thải thấp, mở ra kỳ vọng định hình lại chuỗi giá trị xây dựng theo hướng bền vững hơn.

Theo báo cáo từ Exactitude Consultancy, thị trường xi măng xanh toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ 8,7 %/năm, và dự kiến đạt 46,8 tỷ USD vào năm 2029. Số liệu từ Expert Market Research cho biết, năm 2024 thị trường này đạt khoảng 39,8 tỷ USD và dự kiến tăng lên 110,9 tỷ USD cho đến năm 2034.

Doanh nghiệp xi măng vào cuộc xanh hóa

Trong số các doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam, Tập đoàn SCG gây chú ý khi ra mắt sản phẩm SCG Low Carbon Super Xi măng vào giữa tháng 6/2024 một bước đi được đánh giá là mở đầu cho giai đoạn thương mại hóa rộng rãi các loại vật liệu xây dựng phát thải thấp. Theo SCG, dòng sản phẩm này không chỉ mang tính biểu tượng cho định hướng tăng trưởng xanh mà còn là kết quả của quá trình cải tiến toàn diện trong công nghệ sản xuất xi măng truyền thống.

Ba ưu điểm nổi bật được nhấn mạnh ở sản phẩm này là: giảm phát thải carbon, siêu bền chắc và siêu dẻo mịn. Cụ thể, sản phẩm giúp giảm khoảng 20% lượng khí CO₂ phát thải nhờ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ: sử dụng nhiên liệu thay thế (sinh khối) thay cho than đá, gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất và triển khai hệ thống thu hồi nhiệt thải tại các nhà máy.

Bước vào thị trường 110 tỷ USD: DN xi măng ngoại đang vượt nội - Ảnh 1

Kết quả tại phòng thí nghiệm của SCG cho thấy, mỗi tấn xi măng sản xuất ra tương đương với lượng khí CO₂ được hấp thụ bởi 12 cây xanh trưởng thành trong vòng một năm. Điều này không chỉ giúp giảm dấu chân carbon của từng công trình mà còn góp phần đáng kể vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050.

Không chỉ thân thiện với môi trường, SCG còn chú trọng đến hiệu năng sử dụng. Nhờ tích hợp công nghệ SCG Nano, sản phẩm có độ bền vượt trội, độ kết dính cao và khả năng giảm thiểu lỗ rỗng – vốn là nguyên nhân dẫn đến nứt, rò rỉ trong bê tông. Cường độ chịu nén sau 3 ngày của sản phẩm cao hơn khoảng 7% so với xi măng Portland cao cấp và vượt 45% so với tiêu chuẩn TCVN 6260:2020.

Đặc biệt, vữa trộn từ SCG Low Carbon Super Xi măng có độ dẻo và khả năng bám dính cao, giúp tiết kiệm vật liệu, giảm thời gian thi công, đồng thời tạo bề mặt xây tô nhẵn mịn, che lấp được nhiều khuyết điểm trên tường. Theo khảo sát từ SCG, có đến 80% thầu thợ đánh giá cao sản phẩm này khi so sánh với các dòng xi măng phổ biến khác trên thị trường.

Chiến lược này là một phần trong bộ khung ESG 4 Plus của SCG, nhấn mạnh yếu tố phát thải thấp, hợp tác liên ngành và ứng dụng công nghệ xanh vào mọi lĩnh vực sản xuất. Trong dài hạn, SCG kỳ vọng sẽ biến các giải pháp xi măng thân thiện môi trường thành lựa chọn phổ biến, phù hợp với cả nhu cầu xây dựng dân dụng lẫn các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2024, Công ty CP Xi măng FiCO Tây Ninh (thuộc Tập đoàn YTL – Malaysia) đã tung ra dòng sản phẩm ECOCem – loại xi măng có lượng phát thải carbon chỉ từ 350 đến 600 kg CO₂/tấn, tức thấp hơn tới 70% so với mức trung bình của xi măng truyền thống. Đây là mức phát thải được đánh giá là “cực thấp” trên thị trường hiện nay.

Một tên tuổi lớn khác là INSEE Việt Nam cũng đã sớm bước vào cuộc đua xanh. Từ năm 2017, tất cả sản phẩm của INSEE đều đạt chứng nhận Green Label Singapore. Tới năm 2021, công ty tiếp tục đạt chứng nhận EPD (Environmental Product Declaration) – một chuẩn quốc tế về minh bạch phát thải. Bên cạnh sản phẩm, INSEE còn tổ chức các diễn đàn về kinh tế carbon thấp để thúc đẩy nhận thức và kết nối chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng.

Ngoài ra, Xi măng Xuân Thành – một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nam – cũng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ FLSmidth (Đan Mạch), hướng đến giảm phát thải và tăng tỷ lệ xuất khẩu. Theo thông tin từ doanh nghiệp, sản phẩm của họ hiện đã có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Singapore và châu Âu.

Bước vào thị trường 110 tỷ USD: DN xi măng ngoại đang vượt nội - Ảnh 2

Ba nút thắt cần tháo gỡ

Dù có nhiều bước tiến tích cực, theo giới chuyên gia, quá trình phổ cập xi măng xanh vẫn còn nhiều rào cản – đặc biệt về chi phí, quy chuẩn và hành lang chính sách. Ban đầu chi phí sản xuất và sử dụng xi măng xanh sẽ cao hơn vật liệu truyền thống. Nhưng nếu tính tổng thể, nhất là chi phí vận hành công trình, thì vật liệu xanh lại mang lại hiệu quả rõ rệt về lâu dài.

Bà Võ Thái Xuân Thủy, đại diện Công ty Xi măng FiCO Tây Ninh, chỉ ra một trong những rào cản chính là chưa có bộ tiêu chuẩn công trình xanh mang tính bắt buộc tại Việt Nam. Do đó, việc sử dụng các sản phẩm xi măng phát thải thấp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính tự nguyện. “Quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu đồng bộ, khiến quá trình thương mại hóa sản phẩm xanh gặp khó”, bà nói.

Ở góc độ công nghệ, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng để ngành xi măng có thể giảm phát thải sâu, cần đẩy mạnh các giải pháp như Carbon Capture & Storage (CCS), tăng tỷ lệ phụ gia khoáng như tro bay, xỉ lò cao, xỉ thép vào thành phần xi măng thay vì phụ thuộc vào clinker – vốn là nguồn phát thải lớn nhất trong quy trình sản xuất. Nghiên cứu từ MDPI (2024) ước tính, nếu triển khai CCS kết hợp tối ưu nguyên liệu, có thể giúp Việt Nam giảm đến 46% lượng khí CO₂ phát thải trong ngành xi măng.

Ngoài ra, theo ông Hai Khiêu, chuyên gia phân tích từ FiinGroup, các doanh nghiệp xi măng Việt đang dư công suất, nên việc phát triển xi măng xanh, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như ASTM, BS-EN, hay EPD… không chỉ để phục vụ thị trường trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các nước như EU áp dụng cơ chế thuế biên giới carbon (CBAM) từ 2026.

Việc chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng xi măng xanh không còn là định hướng dài hạn, mà đang trở thành nhu cầu thực tiễn cấp thiết. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp tiên phong như SCG, FiCO, INSEE hay Xuân Thành cho thấy ngành xi măng hoàn toàn có thể thay đổi – miễn là có đủ quyết tâm, công nghệ và hành lang chính sách hỗ trợ. Nếu được thúc đẩy đúng hướng, xi măng xanh sẽ không chỉ là lời hứa, mà là trụ cột của nền xây dựng phát thải thấp trong tương lai.

Bước vào thị trường 110 tỷ USD: DN xi măng ngoại đang vượt nội - Ảnh 3

Vật liệu xây dựng xanh: Từ lựa chọn tự nguyện đến xu thế tất yếu

Kinh tế xanh - 7h

(VNF) - Trước áp lực giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero 2050, thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam đang chứng kiến làn sóng xanh hóa mạnh mẽ. Từ xi măng, gạch, ngói đến kính, sơn, vật liệu cách nhiệt… ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm thân thiện môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và bắt đầu tạo dấu ấn tại các công trình thực tế.

Hoàng Minh

Theo VietnamFinance