Các ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi suất huy động
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn, đồng thời còn ít dư địa giảm lãi suất huy động
Tuần đầu tiên của tháng 5, thị trường tài chính - ngân hàng đã ghi nhận thêm 3 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm và không có ngân hàng nào điều chỉnh giảm lãi suất.
Cụ thể, ngày 2/5, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã điều chỉnh lãi suất huy động theo chiều hướng tăng 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng. Mức lãi suất huy động cao nhất tại ACB cho kỳ hạn 1 tháng - 2 tháng - 3 tháng lần lượt là 2,7% - 2,9% - 3,1%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Ngày 3/5, Ngân hàng TMCP Dầu khí Việt Nam (GPBank) điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm của GPBank từ kỳ hạn 6 -36 tháng được điều chỉnh tăng trung bình 0,2-0,3 điểm phần trăm. Các kỳ hạn còn lại, ngân hàng này giữ nguyên lãi suất.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm online ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, tương ứng với mức 4,35%/năm; 4,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm, lên 5,15%/năm. Ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm lên 5,25%/năm tại kỳ hạn 18-36 tháng.
Một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm từ đầu tháng 5.
Ngày 4/5, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn với mức tăng trung bình 0,1-0,2 điểm phần trăm. Lãi suất tiết kiệm mới nhất tại ngân hàng NCB ở kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,65%/năm.
Đánh giá về xu hướng tăng lãi suất này, WiGroup (đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính, kinh tế, vĩ mô, báo cáo, nghiên cứu thị trường và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam) cho rằng, điểm tích cực trong động thái mới này là mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy, thanh khoản ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào.
Công ty quản lý quỹ VinaCapital nhận định, động thái tăng lãi suất tiết kiệm gần đây cho thấy đợt giảm lãi suất tiền gửi ngân hàng Việt Nam kéo dài từ tháng 3/2023 hiện đã kết thúc. Cùng chung nhận định này, hầu hết các chuyên gia tài chính đều đánh giá các ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi suất huy động.
Theo ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy. Lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.
Tương tự, nhóm phân tích của VinaCapital cũng cho rằng, dưới hàng loạt áp lực giảm giá lên tiền đồng, khả năng lạm phát (một phần do giá dầu tăng), lãi suất tiền gửi có thể sẽ tăng lên 50-100 điểm cơ bản vào cuối năm, nhằm giảm đà mất giá tiền đồng. Nỗ lực đẩy lãi suất liên ngân hàng cao hơn là một trong số cách ứng phó với đà giảm tiền đồng.
Mức lãi cao hơn sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại nắm giữ tiền đồng, hạn chế giao dịch chênh lệch lãi suất (các ngân hàng vay tiền đồng với lãi suất thấp và chuyển tiền đó thành tiền gửi USD với lãi suất cao).
Tuy nhiên, theo nhóm phân tích của VinaCapital, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đang đứng trước bài toán cân bằng giữa ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cần đủ cao để hỗ trợ tiền đồng, nhưng không quá cao đến mức chính sách thắt chặt tiền tệ cản trở tăng trưởng GDP.