Các 'ông lớn' Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh... họp với Thủ tướng để thúc đẩy thị trường BĐS

Các "ông lớn" bất động sản gồm: Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, IMG, Becamex IDC Bình Dương... sẽ tham dự Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thị trường bất động sản do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 14/2.

Văn phòng Chính phủ đã có Công điện gửi các Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng dự hội nghị với Thủ tướng có các Phó thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà. Thời gian tổ chức hội nghị vào 8h sáng ngày 14/2 theo hình thức trực tuyến tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố. 

Các thành phần tham dự ngoài Thủ tướng, các Phó thủ tướng có các Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; các ủy ban: Kinh tế của Quốc hội, Pháp luật của Quốc hội.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều "ông lớn" bất động sản như: Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, IMG, Becamex IDC Bình Dương. Cùng các chuyên gia kinh tế, tài chính...

Tại điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chủ tịch UBND các tỉnh, Giám đốc các sở. Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) dự tại điểm cầu UBND TP. HCM.

Trước đó, tại cuộc hội nghị tín dụng bất động sản ngày 8/2, các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Sun Group, Novaland, Hưng Thịnh và các hiệp hội đã có 17 kiến nghị tới lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, kiến nghị nhiều nhất vẫn tập trung vào đề xuất nới room tín dụng và điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, 2022 là một năm rất khó khăn nhưng hệ thống ngân hàng cũng đã đạt được những kết quả tốt. Mặc dù có những điều chỉnh chưa phù hợp nhưng ngành ngân hàng đã cố gắng và rất mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ.

"Năm 2023, chúng tôi đã họp và thống nhất sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng và sẽ nghiên cứu lộ trình cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Năm 2023 định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 – 15%, nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng sẽ linh hoạt hơn”, bà Hồng cho biết.

Thống đốc cũng nhấn mạnh, đối với việc NHNN kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán không phải là rủi ro của lĩnh vực thuần túy, mà có thể là dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay được vì nếu cho vay dài hạn, ngân hàng sẽ không đảm bảo được an toàn hoạt động, người dân đến rút tiền sẽ không có tiền trả. Do đó, rủi ro ở đây là việc chênh lệch kỳ hạn và an toàn hệ thống.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú khẳng định tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều đang được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác.

Liên quan tới vấn đề room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (BĐS), Phó Thống đốc khẳng định không có quy định room riêng cho lĩnh vực ngành nghề, chỉ có room chung hay hạn mức tín dụng đặt ra để phù hợp kiểm soát lạm phát. Sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, bởi lẽ tình trạng này thường rơi vào cuối năm. Do đó, lúc này không thể nói là không vay được do room không có.

Lệ Chi

Theo VietnamFinance