Cải tạo Panorama không hỏi Bộ Văn hóa: Kẽ hở quản lý?
Lãnh đạo Bộ giải thích khó xử lý do không thuộc thẩm quyền quản lý, tuy nhiên, ĐBQH cho rằng chức năng quản lý ngành, Bộ Văn hóa phải chịu trách nhiệm
(Tin tức thời sự) - Lãnh đạo Bộ giải thích khó xử lý do không thuộc thẩm quyền quản lý, tuy nhiên, ĐBQH cho rằng chức năng quản lý ngành, Bộ Văn hóa phải chịu trách nhiệm
Ngày 18/1, trao đổi với Đất Việt liên quan tới quyết định tạm dừng mọi hoạt động của nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng do Hà Giang đưa ra với lý do "cải tạo sai thiết kế", ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay Bộ chưa nhận được phương án cải tạo từ Hà Giang gửi đến nên không thể nhận định phương án cải tạo đó là đúng hay sai.
Nhà hàng Panorama sau cải tạo còn to hơn trước. Ảnh: báo Hải Dương |
Ông Cương cũng khẳng định, Bộ đã chỉ đạo Cục di sản văn hóa thuộc bộ gửi công văn yêu cầu Sở Văn hóa Hà Giang báo cáo cùng hồ sơ, giấy phép, bản vẽ được phê duyệt của công trình được cải tạo cho Bộ Văn hóa, tuy nhiên tới nay Bộ cũng chưa nhận được hồ sơ cũng như chưa được Hà Giang hỏi ý kiến.
Giải thích cho việc "chưa được hỏi ý kiến", ông Cương cho biết, theo luật di sản, công trình này nằm ngoài khu vực bảo vệ II của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, nên không nằm trong phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa chỉ tham gia góp ý khi được hỏi ý kiến.
"Đây là khu vực danh thắng được thế giới công nhận, do đó, khi có dư luận không tốt và có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan thì Hà Giang nên cần tham vấn ý kiến cơ quan chuyên môn về văn hóa, cụ thể là Bộ Văn hóa", thứ trưởng Bộ Văn hóa nói thêm.
Là người từng nhiều lần lên tiếng về sai phạm tại dự án nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng trước đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa rất bức xúc với thái độ coi thường dư luận, vi phạm pháp luật của chủ đầu tư cũng như biện pháp xử lý thiếu quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý cấp trung ương tới địa phương.
Ông Hòa cho biết, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng được phát hiện sai phạm lần đầu vào tháng 8/2019, khi đó nhà hàng này đã hoạt động được nhiều năm, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang vào cuộc kiểm tra mới phát hiện công trình này "4 không": Không được phê duyệt dự án đầu tư, không được cấp phép xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa được Bộ VHTT&DL thông qua, gây ảnh hưởng tới Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.
Theo ông Hòa, lẽ ra cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương đã phải rất quyết liệt, xử lý triệt để sai phạm trên thì Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang cũng tỏ ra rốt ráo vào cuộc xử lý nhưng phương án xử lý là lấy ý kiến chuyên gia để đưa ra phương án cải tạo nhà hàng Panorama thành điểm dừng chân cho du khách khi tới đây thăm quan. Đây chính là một cách ngầm thừa nhận cho công trình sai phép tồn tại. Nói cách khác, chấp nhận sai phạm như một sự đã rồi.
Đáng nói, khi cải tạo xong, nhiều người lại nhận xét nhà hàng này còn khang trang hơn khi chưa cải tạo. Và trong lần cải tạo này Bộ VHTT&DL cũng không được hỏi ý kiến.
Như vậy, từ khi công trình này được xây dựng và đi vào hoạt động Bộ VHTT&DL, đều đứng ngoài, ông Hòa cho rằng đó là kẽ hở trong công tác quản lý di sản.
"Dù không vi phạm vùng lõi nhưng Đèo Mã Pì Lèng thuộc quần thể Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, một di sản, danh thắng thiên nhiên đã được thế giới công nhận, vì thế cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Phía Hà Giang nếu không gửi báo cáo, hồ sơ thiết kế, quy hoạch, không xin ý kiến nhưng với chức năng quản lý ngành Bộ Văn hóa cũng phải chủ động vào cuộc.
Không thể có chuyện địa phương không thích, không gửi, không xin ý kiến thì cũng không làm gì, như vậy thì vai trò quản lý ngành ở đâu? Nếu địa phương nào cũng như vậy thì di sản bị xâm hại, phá hủy hết hay sao?", ông Hòa đặt câu hỏi.
"Nếu Bộ Văn hóa quyết tâm thì hoàn toàn có thể kiểm tra, xem xét dự án trong phạm vi quy hoạch tổng thể của di sản, trên cơ sở đó sẽ công bố công khai những thông tin liên quan tới dự án cho người dân Hà Giang cũng như cử tri cả nước biết để có thể yên tâm về dự án này", ông Hòa nói.