Đề xuất làm sân bay Hà Giang: Tiêu chí nào?

Theo chuyên gia, đề xuất là của Hà Giang, còn để khẳng định việc xây dựng một sân bay có cần thiết hay không phải căn cứ vào hàng chục tiêu chí.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước tại hội trường Quốc hội ngày 5/11, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề nghị Chính phủ đầu tư sân bay để kết nối nội địa và quốc tế, thuận lợi giúp vùng núi phía Bắc phát triển nhanh hơn.

Trước đề xuất này, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, người từng lập đề án quy hoạch cảng hàng không, sân bay đầu tiên cho biết, lãnh đạo tỉnh, thành phố nào cũng muốn có sân bay để tăng thêm khả năng phát triển kinh tế, an ninh của tỉnh nhà. Tuy nhiên, để khẳng định tỉnh nào cần có sân bay cũng như để có một hệ thống sân bay hoàn chỉnh trên cả nước cần căn cứ vào khoảng 27 tiêu chí, gồm các tiêu chí về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, nhu cầu đi lại, tự nhiên...

"Hiện Bộ GTVT đang lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có cả sân bay quốc tế và quốc nội. Do đó, Hà Giang đề xuất là quyền của họ, còn được hay không thì những người tham gia lập quy hoạch phải dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở dữ liệu về kinh tế xã hội của đất nước, dự báo nhu cầu phát triển của tất cả các ngành kinh tế...

Việc chấm điểm sẽ dựa trên các tiêu chí tổng thể và khoa học, nếu được thì làm, còn không thì Hà Giang phải chờ đến lúc khác", TS Trần Quang Châu nói và nhấn mạnh, việc xây dựng sân bay không phải phụ thuộc và ý muốn của địa phương hay ý chí của một nhóm người, một lãnh đạo nào.

Đề xuất làm sân bay Hà Giang: Tiêu chí nào? - Ảnh 1
Hà Giang cũng muốn có sân bay. Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), nếu nhìn một cách toàn diện, hướng phát triển giao thông của Việt Nam chưa phù hợp khi cứ tập trung vào phát triển hàng không, đường bộ, còn đường sắt, đường thủy - hai loại hình giao thông rẻ nhất và Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế nhất, lại chưa được quan tâm đúng mức.

"Các địa phương cứ đua nhau lao vào phát triển hàng không, thậm chí có những dự án sân bay cách nhau chỉ chừng 100km. Điều đó rất vô lý!", PGS.TS Nguyễn Văn Nam bày tỏ.

Ví dụ điển hình cho nhận xét của PGS Nam về những địa phương ở cạnh nhau đều muốn làm sân bay chính là: Hà Giang và Lào Cai. Hiện Lào Cai đang đề nghị làm sân bay Sa Pa với tổng số vốn 4.200 tỷ đồng, trong khi đó giáp Lào Cai, Hà Giang là Yên Bái đã có sân bay.

Một "hàng xóm" khác của Hà Giang là Cao Bằng cũng muốn được xây dựng sân bay. Theo đề xuất của Cao Bằng, đây sẽ là sân bay nội địa dùng chung với quân sự, dự kiến cách thành phố 13 km về phía đông nam, phục vụ đi lại, du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới phía Bắc.

Đầu tháng 10/2020, tỉnh Ninh Thuận đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn hoạt động bay dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước. Sân bay này nằm ở thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) có diện tích khoảng 20 km.

được quy hoạch đón khách nội địa, Ninh Thuận sẽ nâng cấp để sân bay đạt tiêu chuẩn 4C của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO, đón được tàu bay Fokker70, ATR72, Airbus 321 hoặc tương đương, khai thác các đường bay thương mại tới Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

Tháng 9/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc.

Sân bay tỉnh này đề xuất có diện tích từ 300 ha đến 450 ha tại hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, dự kiến khai thác đường bay đến Hà Nội, TP.HCM, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Năng lực khai thác đến năm 2030 đạt 500.000 hành khách mỗi năm, đến năm 2050 đạt 2 triệu hành khách.

Hà Nội cũng đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, phía nam thủ đô, dự kiến xây dựng sau năm 2030, song song với việc mở rộng sân bay Nội Bài đạt công suất đến 100 triệu hành khách mỗi năm.

Chưa kể, Bộ GTVT còn nhận được kiến nghị của một số địa phương đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên).

Những đề xuất nêu trên khiến dư luận và không ít chuyên gia lo ngại lo ngại tình trạng "lạm phát" sân bay.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2019, cả nước có 23 cảng hàng không đang khai thác vận chuyển thương mại, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cần Thơ, Cam Ranh, Phú Bài, Cát Bi, Vân Đồn). Riêng khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, gồm 14 địa phương) đã có 9 sân bay.

Trong các sân bay nói trên, chỉ có một số ít sân bay có lãi, còn hàng loạt sân bay khác vẫn lỗ, vắng khách, trong khi chi phí xây sân bay hết sức tốn kém.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt