Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Từ việc truy tố kỹ sư Nhật...
Đề nghị cần làm rõ có hay không sự bắt tay giữa ban quản lý và tư vấn giám sát để nghiệm thu các gói thầu không đảm bảo chất lượng.
Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) vừa ban hành kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 36 bị can về tội Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 224, Bộ luật Hình sự.
Các bị can hầu hết là can bộ, lãnh đạo của Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các đơn vị tư vấn, giám sát dự án.
Đáng chú ý, trong số này, có bị can Takao Inami (64 tuổi, quốc tịch Nhật Bản), nguyên là tư vấn trưởng, Giám đốc Văn phòng giám sát dự án.
Ông Takao Inami được xác định đã trực tiếp xác nhận nghiệm thu chất lượng vật liệu; chất lượng các hạng mục; chất lượng công trình xây dựng hoàn thành không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của nhiều gói thầu. Đây là những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng, trong hoạt động tư vấn giám sát dự án, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, gây hư hỏng khi vận hành khai thác.
Pháp luật nghiêm khắc, bình đẳng
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng) đánh giá, việc Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố kỹ sư người nước ngoài cho thấy sự bình đẳng cũng như sự nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam - ai làm sai trên đất nước Việt Nam đều phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng ngay trong những ngày đầu đưa vào khai thác. Ảnh: Lao động |
Theo ông Thám, rất nhiều dự án ở Việt Nam có kỹ sư, chuyên gia là người nước ngoài tham gia tư vấn, giám sát. Tư vấn, giám sát có thể do chủ đầu tư quyết định trong trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.
Còn trong trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho ban quản lý dự án thì ban quản lý sẽ thay mặt chủ đầu tư điều hành, thuê ai cũng là do ban quản lý dự án quyết định. Người tư vấn, giám sát đại diện cho ban quản lý để giám sát dự án. Nếu ban quản lý dự án cố tình làm ngơ hoặc tư vấn, giám sát không thực hiện đúng quy định chức năng của tư vấn giám sát thì cũng bị truy cứu trách nhiệm và xử lý.
"Chất lượng vật liệu, chất lượng các hạng mục, chất lượng công trình xây dựng không đảm bảo là do năng lực của tư vấn, giám sát hay có sự bắt tay giữa ban quản lý dự án hoặc nhà thầu với tư vấn, giám sát để bộ phận này bỏ qua những sai sót, chấp nhận nghiêm thu dù chất lượng công trình không đảm bảo? Điều này cơ quan CSĐT sẽ làm rõ", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói và khẳng định, tất cả các cá nhân, tổ chức làm việc trong các dự án trên đất nước Việt Nam đều phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, sai ở mức độ nào thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý ở mức độ ấy theo luật pháp Việt Nam.
Theo ông Thám, về nguyên tắc, những văn bản tư vấn, giám sát ký sai thì tư vấn, giám sát phải chịu trách nhiệm. Nếu do lỗi kỹ thuật thì có thể phải bồi thường thiệt hại, xử lý hành chính. Nhưng nếu cố tình bắt tay với nhà thầu hay ban quản lý dự án để làm ngơ đi sai sót, nghiệm thu công trình không đảm bảo chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp là người nước ngoài thì cơ quan điều tra phía Việt Nam có thể đưa ra yêu cầu tương trợ tư pháp, đề nghị phía nước bạn cung cấp thêm thông tin nhân thân, lai lịch các đối tượng...
"Hợp đồng ký kết với nhà thầu (tư vấn, giám sát, thiết kế, thi công) đều căn cứ vào các điều khoản pháp lý Việt Nam. Do đó, khi xảy ra sai phạm cứ căn cứ vào đó để xử lý", ông nói.
Làm gương
Nhìn từ góc độ khác, vị chuyên gia cho rằng, việc cơ quan CSĐT đề nghị truy tố kỹ sư Nhật Bản sai phạm trong dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sẽ làm gương cho những dự án khác, kể các các dự án ODA. Nhiều vụ việc cho thấy, đa phần các doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ sư nước ngoài vào Việt Nam làm việc với tinh thần nghiêm túc.
Chỉ có điều, có trường hợp ban quản lý dự án/nhà thầu phía Việt Nam thông đồng, thậm chí "lái" họ theo ý muốn của mình. Nếu ban quản lý/nhà thầu Việt Nam làm nghiêm ngay từ đầu, ông Thám tin rằng tư vấn, giám sát nước ngoài sẽ không dám làm sai.
Trở lại dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, vị chuyên gia một lần nữa đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa ban quản lý dự án với tư vấn, giám sát để xác định tư vấn, giám sát nghiệm thu công trình chưa đảm bảo chất lượng là do sự chỉ đạo của ban quản lý hay do năng lực, ý định cá nhân của tư vấn, giám sát.
"Ban quản lý dự án và hợp đồng ký kết giữa ban quản lý với tư vấn, giám sát sẽ là chìa khóa để xem lỗi từ đâu, vi phạm mức độ nào", ông Thám lưu ý.
Liên quan đến những sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, theo cơ quan điều tra, còn một số người nước ngoài khác liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong việc giám sát thi công các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án.
Cụ thể, ông Diego Lopez Ruiz (quốc tịch Tây Ban Nha), Giám đốc Ban điều hành liên danh, trực tiếp phụ trách phân đoạn do Công ty OHL thi công tại gói thầu số 7; ông Segi Tadashi, ông Kurihara Nobuyuki (đều quốc tịch Nhật Bản), kỹ sư thường trú, Giám đốc các Văn phòng tư vấn giám sát hiện trường, trực tiếp quản lý giám sát các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án, và một số đối tượng khác có liên quan đã về nước trước khi vụ án được khởi tố.
Trong đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có các yêu cầu tương trợ tư pháp gửi Bộ Tư pháp các nước Nhật Bản, Tây Ban Nha đề nghị phối hợp xác minh, cung cấp nhân thân, lai lịch các đối tượng để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định tách vụ án hình sự liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng này để xử lý sau.