Cập nhật tiến độ thi công đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp và cát đắp để triển khai thi công.
Trong báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội gửi UBND TP về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cho thấy Ban mới nhận chính thức được hơn 598ha, đạt 86,68% đối với diện tích đất thuộc diện tích thu hồi để bàn giao cho các nhà thầu thi công.
Về công tác thi công dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành, đường đô thị) được khởi công vào ngày 25/6/2023. Đến nay, nhà thầu thi công đã tiếp nhận mặt bằng, tổ chức khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và triển khai các thủ tục về công tác quản lý chất lượng và các thủ tục đầu vào như: trình nguồn vật liệu, bố trí lán trại, huy động máy móc, thiết bị nhân công, vật tư, huy động trạm thí nghiệm hiện trường, xin cấp phép thi công... dự kiến thi công bóc đất hữu cơ, đắp nền, xử lý đất yếu tại các vị trí có mặt bằng sạch trong tháng 8/2023.
Ban Quản lý dự án, dự kiến Ban có thể nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng đã thu hồi giải phóng mặt bằng của các quận, huyện, xong trước trước ngày 15/8/2023; Hoàn thành các thủ tục cấp phép thi công các cầu vượt sông Nhuệ, sống Đáy, sông Cà Lồ, sông Tô Lịch xong trước ngày 25/8/2023.
Về tình hình cung ứng nguyên vật liệu phục vụ thi công dự án, theo báo cáo của các nhà thầu thi công của dự án thành phần 2.1, hiện nay các nhà thầu đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp và cát đắp để triển khai thi công.
Các mỏ đất đang hoạt động khai thác nằm tại các tỉnh lân cận, cự ly vận chuyển xa nên không chủ động được nguồn vật liệu (4 mỏ đất tại tỉnh Vĩnh Phúc; 4 mỏ đất tại tỉnh Thái Nguyên; 1 mỏ đất tại tỉnh Hòa Bình). Các mỏ cát trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng trữ lượng lớn và gần phạm vi thực hiện Dự án, tuy nhiên phần lớn chưa triển khai khai thác (6 mỏ đang đấu giá và 18 mỏ trong quy hoạch), công suất khai thác theo khảo sát của các mỏ hiện trạng khá thấp.
Trên địa bàn TP Hà Nội không có mỏ đất đắp và hiện chưa thể khai thác các mỏ cát với công suất đáp ứng nhu cầu là đường găng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp và tăng giá vật liệu.
Trên cơ sở các khó khăn thực tế về khả năng cung cấp vật liệu, các nhà thầu thi công dự án thành phần 2.1, doanh nghiệp cung cấp cũng đã có các văn bản đề nghị bổ sung, chấp thuận đưa các mỏ vật liệu vào hồ sơ khảo sát phục vụ dự án.
Cụ thể, đối với mỏ đất: Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) đề nghị bổ sung mỏ đất đồi Gò Đỉnh (trữ lượng 0,626 triệu m3) tại thôn Triều Đông, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây; Công ty TNHH MTV Vận tải Long Dũng Vĩnh Phúc đề nghị cung cấp vật liệu tại 2 mỏ đất có giấy phép đang khai thác tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối với mỏ cát, Vinaconex đề nghị đăng ký khai thác mỏ cát Chu Phan, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đề nghị đăng ký khai thác mỏ cát Thạch Đà 1, mỏ cát Chu Phan 1 (các mỏ trong quy hoạch khoáng sản của thành phố Hà Nội, chưa thực hiện thăm dò đánh giá trữ lượng). Công ty TNHH MTV Vận tải Long Dũng Vĩnh Phúc đề nghị cung cấp vật liệu tại một mỏ cát xã Thạch Đà, Mê Linh, 2 mỏ cát tại tỉnh Phú Thọ, 1 mỏ cát tại tỉnh Thái Bình.
Ban Quản lý dự án đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là mỏ không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Rà soát, báo cáo UBND TP phê duyệt danh mục đối với các mỏ khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác) làm cơ sở để các nhà thầu thi công Dự án Vành đai 4 có thể đề nghị đăng ký khai thác, sử dụng theo cơ chế đặc thù của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.