Cấp phép xây nhà ở riêng lẻ, mỗi nơi một khác

- Vừa qua, TP.HCM thực hiện thí điểm bỏ việc cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) đối với nhà ở riêng lẻ tại Quận 7 với điều kiện đã có quy hoạch 1/500 hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

 

Tuy nhiên, việc thí điểm này khó có thể nhân rộng ra các địa bàn quận khác do thực tế phát sinh nhiều rắc rối. Nhìn rộng ra phạm vi cả nước, việc cấp phép xây dựng đang được thực hiện ra sao?

Cấp phép xây nhà ở riêng lẻ, mỗi nơi một khác - Ảnh 1

Việc cấp Giấy phép xây dựng tại Hà Nội đã được siết chặt, thực hiện bài bản hơn so với trước đây. Ảnh: Tiên Giang

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có khoảng 92.000ha đất đô thị, trong đó chỉ 1/3 có quy hoạch 1/500. Việc chậm trễ trong thực hiện quy hoạch 1/500 là do cứ 5 năm phải điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 một lần, do đó quy hoạch 1/500 cũng phải điều chỉnh theo. Như vậy, để toàn bộ đất đô thị TP.HCM có quy hoạch 1/500 là không xác định thời hạn. Nếu điều kiện cấp GPXD là phải có quy hoạch 1/500 thì ách tắc trên diện rộng là không tránh khỏi. Quy định này cũng gây khó khăn cho người dân tại khu vực chưa được quy hoạch 1/500 khi chỉ được cấp GPXD tạm với quy mô nhà không cao quá 3 tầng, trong khi đó việc chưa được quy hoạch 1/500 không thuộc trách nhiệm của người dân. Có lẽ vì thế, TP.HCM chỉ “thí điểm” tại Quận 7, nơi gần như đã được “phủ sóng” 100% quy hoạch 1/500.

Hà Nội chưa thực hiện thí điểm như TP.HCM, nhưng theo phản ánh của nhiều người dân thì việc cấp GPXD được siết chặt và bài bản hơn so với trước đây. Trước đó, Hà Nội chỉ chú trọng việc cấp GPXD nhà ở riêng lẻ ở phố cổ hoặc trong nội đô, nhiều vùng ngoại ô gần như bỏ trống. Lý do chủ yếu là do quy hoạch mở rộng Thủ đô khiến nhiều vùng nông thôn lên thành phố. Do vậy, nếu quá chặt chẽ trong việc cấp GPXD sẽ bị cho là “hành dân”.

Tại nhiều tỉnh, thành phố khác, việc cấp GPXD được chú trọng chủ yếu ở các công trình lớn, còn nhà ở riêng lẻ không được quan tâm, có chăng cũng ở khu vực nội đô. Đơn cử như tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) gần như không có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn việc xây dựng tràn lan. Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: “Sức ép về dân số đối với TP. Biên Hòa còn hơn cả TP.HCM nếu chia tỷ lệ người nhập cư trên diện tích đất ở đô thị sẵn có cộng thêm các dự án về nhà ở. Đại đa số vi phạm về GPXD đều là người nhập cư, trong đó chủ yếu là công nhân trong các khu công nghiệp (KCN)”.

Diện tích đất ở trong nội đô TP. Biên Hòa gần như không còn, quy hoạch đất ở không theo kịp với việc gia tăng dân số cơ học. Hiện Biên Hòa có 5 KCN với khoảng 300 ngàn công nhân, tính trung bình mỗi năm thành phố này có khoảng 50 ngàn người nhập cư gồm công nhân và gia đình của họ. 3 năm gần đây, mỗi năm Biên Hòa tăng khoảng 8.000 học sinh, đến nỗi nhiều trường tiểu học chia 3 ca vẫn quá tải. Hiện tượng người nhập cư mua đất vườn trong dân xây nhà, khoảng vài năm lại hình thành khu dân cư khiến tỉnh này thay vì việc xử phạt xây dựng không phép đành hợp thức hóa thành đất ở cho dân.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, dù đã mạnh tay với những trường hợp xây không phép nhưng đại đa số họ đều là công nhân trong các KCN, nếu bắt họ dỡ nhà hoặc không cho ở thì phải bố trí nơi ở cho hợp lý. Trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân chỉ mới đáp ứng được khoảng 15 - 20%, cộng thêm nhà trọ do các hộ dân tự xây dựng dù không đáp ứng điều kiện ở tối thiểu cũng chỉ đạt khoảng 70%, 30% còn lại nếu không mua đất “nhảy dù” xây nhà không phép thì không còn sự lựa chọn khác.

Vì thế, tại TP. Biên Hòa, hồ sơ hợp thức hóa đôi khi phải xử lý nhiều hơn hồ sơ xin cấp GPXD. Đó là lý do tại sao TP.HCM có thể mạnh tay thí điểm đối với việc cấp GPXD nhà ở riêng lẻ, còn Biên Hòa lại phải hợp thức hóa xây dựng không phép. Hiện nay, Đồng Nai đang lên phương án di dời KCN Biên Hòa 1 để làm khu đô thị 324 ha, nhưng với lượng người nhập cư mỗi năm thì tỉnh này khó có thể thực hiện việc cấp GPXD nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Xây dựng 2014.

 

>>> Tp. Hồ Chí Minh không cho làm căn hộ thương mại 25 m2

>>> Đánh thuế nhà thứ 2: Villa không bị đánh thuế nhưng nhà cấp 4 lại bị đánh thuế

Theo Trung Kiên

Báo Đấu thầu

 


Link nguồn: http://baodauthau.vn/bat-dong-san/cap-phep-xay-nha-o-rieng-le-moi-noi-mot-khac-50045.html