Cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn nghìn m2 trong “án” thừa kế, Sở TN & MT Tây Ninh bị thua kiện

Bản án đã dấy lên những lo ngại khi ngày càng nhiều sai phạm trong khâu quản lý đất đai được hé lộ.

Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM vừa công bố bản án liên quan đến việc một người dân khiếu kiện Sở tài nguyên và Môi trường Tây Ninh liên quan đến mảnh đất hàng nghìn m2. Theo kết quả xử phúc thẩm, phần thắng đã thuộc về người dân-người khởi kiện.

Người khởi kiện trong vụ án đáng chú ý này là ông Nguyễn Văn Bé Quí có địa chỉ tại thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Ông Quí và người đại diện theo ủy quyền của ông Qúi đều có mặt tại tòa. Trong khi đó, người bị kiện là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh lại có đơn xin vắng mặt. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh là bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Giám đốc Văn phòng  Đăng ký đất đai-Chi nhánh Hòa Thành cũng có đơn xin vắng mặt.

Theo đơn khởi kiện ngày 12/10/2010 và lời trình bày của ông Nguyễn Văn Bé Quí tại phiên tòa thể hiện: Cha mẹ ông là ông Trần Ngọc Đởm đã chết năm 2007 và bà Nguyễn Thị Hồng Xuân đã chết năm 2000, chung sống có “Chứng thư hôn thú" cấp năm 1972. Cha mẹ ông có 2 người con là ông Nguyễn Văn Bé Quí và ông Nguyễn Văn Hồng Phúc. Cả ông Quí và ông Phúc đều có giấy khai sinh. Phần đất 1.599m2 tại thị xã Hòa Thành là của cha mẹ ông Đởm để lại cho ông Đởm và cha ông Đởm đã được chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1995.

Tuy nhiên, đến năm 2015, ông Võ Văn Huân là con bà Trần Ngọc Đường-bà Đường là em ruột ông Đởm - ông Huân lúc này là Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hòa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký xác nhận ông Trần Ngọc Đởm từ khi còn sống là độc thân, không có vợ con để bà Trần Ngọc Đường (em gái) là người thừa kế duy nhất của ông Đởm.

Trên cơ sở xác nhận ông Đởm độc thân, Sở tài nguyên và Môi trường Tây Ninh cho bà Trần Ngọc Đường được thừa kế phần đất 1.599m2, sau đó, bà Đường lại tặng lại mảnh đất cho con là ông Võ Văn Huân và vợ là bà Hạnh.

Thông báo tại kết luận số 08/TB-UBND kết luận việc làm của ông Võ Văn Huân là sai phạm và ông Huân đã có đơn xin khắc phục hậu quả, tự nguyên giao nộp lại GCNQSDĐ đã cấp cho bà Đường, cho ông Huân và bà Hạnh.

Ông Quí khởi kiện đối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh yêu cầu hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai cho Bà Đường, ông Huân và bà Hạnh.

Tuy nhiên, văn bản năm 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây  Ninh cho rằng trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho Bà Đường, ông Huân và bà Hạnh đều đúng quy định theo luật đất đai.

Bản tự khai hồi tháng 12/2020 của ông Lê Phước Ý là người đại diện theo ủy quyền của bà Đường, ông Huân và bà Hạnh khai rằng: Phần đất Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cấp cho bà Đường, ông Huân và bà Hạnh có nguồn gốc là ông Huân, bà Hạnh nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn Thẳng và bà Phạm Thị Út từ năm 1991. Năm 1995, ông Đởm đã tự ý kê khai đăng ký và được huyện Hòa Thành cấp giấy chứng nhận. Bản khai này cũng cho rằng ông Đởm, bà Xuân không có con chung nên ông Nguyễn Văn Bé Quí và ông Nguyễn Văn Hồng Phúc không phải con ruột ông Đởm. Theo sổ hộ khẩu của ông Đởm thì ông Đởm độc thân và vì thế quyền thừa kế tài sản ông Đởm thuộc hàng thừa kế thứ hai là bà Trần Ngọc Đường. Bản tự khai cũng cho rằng ông Đởm, bà Xuân đăng ký kết hôn không theo đúng quy định pháp luật nên giấy khai sinh của ông Qúi và ông Phúc là không đúng pháp luật.

Lý luận cho rằng ông Đởm họ Trần, bà Xuân họ Nguyễn và ông Qúi, ông Phúc họ Nguyễn nên tại thời điểm đăng ký khai sinh, ông Đởm không phải cha của ông Phúc và ông Qúi.

Tòa án sơ thẩm tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Bé Quí đối với Sở tài nguyên và Môi trường Tây Ninh. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Sở tài nguyên và Môi trường Tây Ninh cấp cho bà Trần Ngọc Đường vào năm 2015. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Sở tài nguyên và Môi trường Tây Ninh cấp cho ông Huân, bà Hạnh vào tháng 5/2016.

Sau khi nhận bản án sơ thẩm thì cả bà Đường, ông Huân và bà Hạnh có đơn kháng cáo cho rằng ông Quí, ông Phúc không phải con ruột hoặc con nuôi của ông Đởm, yêu cầu giám định AND.

HĐXX phúc thẩm cho rằng phần đất tranh chấp được UBND cấp cho ông Đởm vào năm 1995 và đến năm 2007 ông Đởm chết nên đây là di sản do ông Đởm để lại.

HĐXX cũng nêu rõ theo giấy trích lục hôn thú năm 1972, bản phô tô giấy khai sinh năm 1983 cũng xác định ông Phúc sinh năm 1977 là con ông Đởm và bà Xuân. Phiếu lý lịch công chức do bà Xuân khê khai năm 1993 cũng xác định ông Đởm là chồng và có 2 con là ông Qúi và ông Phúc.

Như vậy, Sở tài nguyên và Môi trường Tây Ninh đã cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị thua kiện và phải hủy các giấy chứng nhận cấp sai.

Bản án đã dấy lên những lo ngại khi việc quản lý đất đai đang có nhiều lỗ hổng, nhiều sai phạm trong quản lý đất đai đã dẫn tới những bản án kéo dài, dai dẳng nhiều năm.

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và Cuộc sống