Cấp tập phát hành trái phiếu, ngân hàng tranh thủ hút vốn đầu năm

Ngay từ đầu năm 2025, nhiều ngân hàng đã ráo riết đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn và đáp ứng các điều kiện về an toàn vốn.

Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Năm 2024, ngành ngân hàng tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), với tổng giá trị phát hành hơn 318.400 tỷ đồng, chiếm 67%.

Các chuyên gia dự báo, năm 2025, ngân hàng sẽ tích cực phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2 ra công chúng để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, đồng thời gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ nhu cầu tín dụng.

Để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao là 16%. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao thì nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng trong năm 2025 sẽ tiếp tục tăng lên.

Ngay từ đầu năm 2025, nhiều nhà băng đã ráo riết đẩy mạnh phát hành TPDN ra công chúng để huy động vốn trong khi doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực đáo hạn.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 24/1/2025, có 4 đợt phát hành TPDN ra công chúng được ghi nhận với tổng giá trị đạt 5.554 tỷ đồng. Toàn bộ khối lượng phát hành này thuộc về lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán (trong đó chứng khoán chỉ có 300 tỷ đồng).

Trong tháng đầu năm 2025, VietinBank phát hành lớn nhất với khối lượng lên tới 4.000 tỷ đồng. BVBank cũng phát hành một lô trái phiếu với giá trị hơn 1.254 tỷ đồng với kỳ hạn 6 năm.

Cấp tập phát hành trái phiếu, ngân hàng tranh thủ hút vốn đầu năm - Ảnh 1

Mới đây, hội đồng quản trị HDBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng trong quý I và quý II/2025 với tổng giá trị tối đa 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 - 8 năm và lãi suất thả nổi.

Còn MB thông báo phát hành trái phiếu đợt 3 đến ngày 5/3/2025, kỳ hạn 6 năm, sau khi phát hành 21 lô trái phiếu trong năm 2024 với tổng giá trị 22.551 tỷ đồng.

Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định ở mức thấp, hỗ trợ cho ngân hàng thu hút vốn qua kênh phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2.

Theo một số chuyên gia, dù lãi suất huy động trái phiếu cao hơn lãi suất tiền gửi nhưng bù lại với kỳ hạn dài 5-7-10 năm, không lo rút ra rút vào ảnh hưởng thanh khoản, ngân hàng sẽ chủ động tính toán nguồn vốn hơn.

Đơn cử, BVBank trả lãi suất cho lô trái phiếu vừa phát hành kỳ đầu là 8,2%/năm, các kỳ sau được tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank + 2,5%/ năm.

Còn VietinBank trả lãi suất của lô trái phiếu CTG2432T2/01 được tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank + 1,05%/ năm.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý, trái phiếu tăng vốn cấp 2 có rủi ro cao hơn so với tiền gửi ngân hàng và trái phiếu thường do có kỳ hạn dài hơn, thứ tự ưu tiên thanh toán thấp hơn trong trường hợp ngân hàng phát hành phải thanh lý tài sản.

Vì sao ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu?

Việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu dù chi phí vốn đắt đỏ hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được cho là nhằm bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi.

Cấp tập phát hành trái phiếu, ngân hàng tranh thủ hút vốn đầu năm - Ảnh 2

Các ngân hàng phải trả chi phí cao hơn khi phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, kênh này giúp các nhà băng cân đối tỷ trọng huy động và an toàn vốn.

Các ngân hàng thu hút vốn qua kênh phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2, qua đó đáp ứng các điều kiện về an toàn vốn khi quy mô tổng tài sản của các ngân hàng liên tục tăng lên.

Bên cạnh bổ sung vốn cấp 2, việc phát hành trái phiếu còn giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trong dài hạn phục vụ nhu cầu tín dụng.

Bởi, theo quy định, trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được tính vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. Do đó, các ngân hàng cần phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới để thay thế các trái phiếu bị khấu trừ và tăng mức an toàn vốn.

Ngoài việc bổ sung vốn cấp 2, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định. Bởi từ cuối năm ngoái, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thay vì 34% như trước. Đồng thời, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động cũng được yêu cầu giảm xuống dưới 85%.

Thêm nữa, việc các ngân hàng thương mại đang tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Basell II và III thế hệ mới đòi hỏi cần phải củng cố nguồn vốn an toàn trong thời gian tới.

VIS Rating dự báo, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới. Trong đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh.

Ngoài ra, trái phiếu phát hành với nhiều kỳ hạn khác nhau, giúp ngân hàng quản lý dòng tiền và rủi ro lãi suất hiệu quả hơn. Kênh này giúp đa dạng hóa nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.

Theo các nhà đầu tư tài chính, trên thị trường vốn hiện nay, trái phiếu ngân hàng có độ tin cậy cao, chỉ sau trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, trái phiếu ngân hàng có tính linh hoạt rất cao, trái chủ có thể cầm cố vay lại vốn ngân hàng hoặc bán lại cho chính ngân hàng phát hành trái phiếu.

Hơn nữc, các mức lãi suất của trái phiếu ngân hàng cũng cạnh tranh hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại, nên thu hút nhiều người chuyển tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu để được hưởng lãi suất cao hơn. Mức độ hấp thụ vốn trái phiếu ngân hàng cải thiện sẽ giúp thị trường TPDN sôi động trở lại.

Các chuyên gia tài chính kỳ vọng, vốn trái phiếu ngân hàng phát hành sẽ gia tăng vào nhóm nhà đầu tư cá nhân, đảm bảo lợi ích cho đôi bên: ngân hàng có vốn trung dài hạn củng cố các nền tảng tài chính, nhà đầu tư có lợi suất cao.

 

Minh Dũng

Theo Vietnamfinance