Tài chính tiêu dùng vào chu kỳ mới, loạt công ty báo lãi lớn

Thị trường tài chính tiêu dùng năm 2024 đã khởi sắc, nhiều công ty báo lãi lớn. Các chuyên gia dự báo thị trường này sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025 bởi tăng trưởng kinh tế tích cực và dư địa cho vay mảng tiêu dùng còn rất lớn.

Nhiều công ty tài chính báo lãi lớn năm 2024

Sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ năm 2022 đến 2023, thị trường tài chính tiêu dùng năm 2024 đã khởi sắc, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính ghi nhận tăng trưởng dương trở lại.

Theo thông tin mới được VPBank công bố, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt hơn 500 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 năm liên tiếp lỗ trên 3.000 tỷ đồng, công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam này đã có lãi trở lại.

Tính riêng trong quý IV/2024, FE Credit lãi gần 950 tỷ đồng, gấp 25 lần so với cùng kỳ. Kết quả trên đã đóng góp tích cực cho hệ sinh thái VPBank, giúp lợi nhuận hợp nhất của nhà băng này vượt 20.000 tỷ đồng, cao hơn 85% so với cùng kỳ năm trước.

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của FE Credit ở mức hơn 67.600 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối 2023. Quy mô tín dụng tăng 10,3% và doanh số giải ngân cả năm 2024 tăng40% so với 2023, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã có sự cải thiện.

Không chỉ FE Credit, nhiều công ty tài chính tiêu dùng cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi công bố kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024.

Tại Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit), tính đến 31/12/2024, tổng tài sản đạt 8.163 tỷ đồng, tăng 81% so với con số 4.489 tỷ đồng ở quý III/2024, chủ yếu là tài sản cho vay khách hàng. Thu nhập thuần từ tiền lãi đạt 203,2 tỷ đồng, tăng 28%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 6.300 tỷ đồng, tăng 36% so với thời điểm 31/12/2023.

Tài chính tiêu dùng vào chu kỳ mới, loạt công ty báo lãi lớn - Ảnh 1

Trong quý IV/2024, VietCredit ghi nhận lãi 69,6 tỷ đồng trong khi quý trước lỗ 36,5 tỷ đồng, tăng mạnh 290%. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty này đang chuyển biến tích cực sau những nỗ lực tái cấu trúc và chuyển đổi số quyết liệt.

Theo kết quả kinh doanh của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance), lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 của EVNFinance đạt hơn 166 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế của EVNFinance đạt 703,7 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch và tăng ngoạn mục 72% so với năm 2023. Thu nhập lãi thuần tăng gấp đôi năm 2023, đạt 1,444 tỷ đồng, so với mức 709 tỷ đồng của năm 2023. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 46,802.9 tỷ đồng, tăng gần 13,250 tỷ đồng so với năm 2023.

Trong khi đó, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 cao hơn gấp đôi so với năm 2023. Mcredit đang điều chỉnh mô hình thu nợ, phối hợp với các đối tác bên ngoài để tăng chất lượng xử lý nợ.

Thị trường tài chính tiêu dùng năm 2024 ghi nhận sự cải thiện rõ rệt khi Chính phủ triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới…

Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy tiêu dùng tiếp tục phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 tăng 8,8% nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh và tiêu dùng cá nhân phục hồi.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM..., dư nợ cho vay tín dụng tiêu dùng tăng mạnh. Điển hình, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và 12% so với cùng kỳ.

Cơ hội lớn cho thị trường tín dụng tiêu dùng
Cơ hội lớn cho thị trường tín dụng tiêu dùng

Theo giới phân tích, tín dụng tiêu dùng vẫn là mảng kinh doanh hấp dẫn trong dài hạn tại Việt Nam. Minh chứng là đã có hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường này thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) gần đây.

Các chuyên gia dự báo thị trường tài chính tiêu dùng sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay bởi tăng trưởng kinh tế tích cực và dư địa cho vay mảng tiêu dùng còn rất lớn. Tỷ lệ thâm nhập cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương, báo hiệu tiềm năng tăng trưởng dồi dào.

Hơn nữa, phần lớn tín dụng tiêu dùng vẫn đến từ các ngân hàng thương mại. Nhóm công ty tài chính mới chỉ đạt dư nợ khoảng 160.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2024.

Năm 2025, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục có nhiều vận hội mới để tăng trưởng, bứt phá mạnh mẽ khi Ngân hàng Thế giới (World Bank) nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,6%, vượt Philippines (6,1%), Campuchia (5,5%), Indonesia (5,1%) và Thái Lan (2,9%). Qua đó, thu nhập hộ gia đình cải thiện, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tài chính tiêu dùng.

FinGroup đánh giá thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn đang có nhiều triển vọng phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới đạt trên 10% GDP - thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc với hơn 40% GDP, Hồng Kông (Trung Quốc) với hơn 20%....

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ và cải cách cụ thể của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu vay. Cụ thể, đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần chia sẻ thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ của mình.

Tài chính tiêu dùng vào chu kỳ mới, loạt công ty báo lãi lớn - Ảnh 2

Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng lãi suất giảm và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp cải thiện nhu cầu của khách hàng và khả năng trả nợ, từ đó hỗ trợ biên lãi cho vay của các công ty tài chính trong năm 2024.

VCSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ được cải thiện vào năm 2024, nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian còn lại của năm 2024, đi cùng việc nâng cao quy trình thẩm định tín dụng và hoạt động kinh tế cải thiện và lãi suất giảm sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ của khách hàng tài chính tiêu dùng.

VCSC tin rằng nhân khẩu học trẻ và năng động của Việt Nam chính là động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc vào năm 2025 do nền kinh tế phục hồi, với tăng trưởng GDP được đẩy nhanh và thu nhập hộ gia đình cải thiện.

MBS cũng dự báo chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ cải thiện vào năm 2025 nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi; các công ty tài chính tiêu dùng tăng cường thực hành quản lý rủi ro và áp dụng các tiêu chí cho vay chặt chẽ hơn và nhu cầu tín dụng mạnh hơn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, gồm lực lượng người tiêu dùng trẻ, xu hướng tăng trưởng kinh tế tốt và sự gia tăng của nhu cầu tiêu dùng.

Tuy vậy, ông Hiếu nhấn mạnh việc quản lý rủi ro là bài toán lớn cần được các công ty tài chính lưu tâm. Nợ xấu trên thị trường tín dụng tiêu dùng đã tăng đáng kể trong giai đoạn hậu Covid-19. Các công ty tài chính cần xây dựng hệ thống kiểm soát hiệu quả hơn để hạn chế rủi ro, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tín dụng.

 

Minh Dũng

Theo Vietnamfinance