Cầu dây văng 7.300 tỷ đồng có thể chịu được động đất cấp 8, nằm trên tuyến cao tốc đắt nhất Việt Nam, nối hai thành phố du lịch nổi tiếng của phía Bắc

Cây cầu được thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ H, biểu tượng kết nối 3 thành phố kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Đưa vào khai thác từ tháng 9/2018, cầu Bạch Đằng (nằm trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) được đầu tư theo hình thức BOT. Đây là dự án mở đầu cho chuỗi các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, tiên phong trong đổi mới phương thức đầu tư, do người Việt tự thiết kế, bố trí vốn và tổ chức thi công. Đồng thời, đây là bước đột phá quan trọng về hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Tại thời điểm hoàn thành, cầu Bạch Đằng là cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới. Ảnh: Tạp chí Znews
Tại thời điểm hoàn thành, cầu Bạch Đằng là cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới. Ảnh: Tạp chí Znews

Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn có chiều dài gần 5km, mặt cầu rộng 25m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100km/h. Riêng cầu Bạch Đằng dài gần 3km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8.

Cầu có 3 trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp hai bên cao 94,5m với bốn nhịp cầu dây văng. Nhìn từ xa, 3 trụ tháp cầu mang hình 3 chữ “H”, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa ba trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long (Quảng Ninh).

Cận cảnh trụ tháp cầu Bạch Đằng. Ảnh: Báo điện tử VOV
Cận cảnh trụ tháp cầu Bạch Đằng. Ảnh: Báo điện tử VOV

Cầu Bạch Đằng có điểm đầu là phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng, nút giao cuối tuyến là xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Cầu được thiết kế với hệ thống cáp dây văng, nhằm đảm bảo lực nâng, mỗi trụ cầu được bố trí 48 bó cáp, tương đương 144 bó tổng cộng.

Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 7.270 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh gần 490 tỷ đồng, gồm: chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ.

Dây văng cầu làm bằng thép đặc biệt được nhập khẩu từ Italy. Ảnh: Tạp chí Znews
Dây văng cầu làm bằng thép đặc biệt được nhập khẩu từ Italy. Ảnh: Tạp chí Znews

Công trình được thiết kế đảm bảo thông thủy cho tàu trọng tải lớn và không ảnh hưởng đến Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cách đó khoảng 6km.

Cầu Bạch Đằng cũng là một trong những cây cầu dây văng có tính chất phức tạp nhất với 4 nhịp dây văng liên tục, nhưng lại hạn chế chiều cao tháp, nên góc nghiêng dây văng rất nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp hơn những cầu dây văng khác.

Cầu Bạch Đằng được đánh giá là nhiều nhịp lớn bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong
Cầu Bạch Đằng được đánh giá là nhiều nhịp lớn bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong

Cầu nằm trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có chiều dài 24,6km với tổng vốn đầu tư lên đến gần 13.700 tỷ đồng. Với con số trên, tính đến thời điểm hiện tại, đây là cao tốc đắt nhất Việt Nam khi tốn gần 557 tỷ đồng cho mỗi km. Con số này cao gấp 4,5 lần cao tốc Nội Bài - Lào Cai (123 tỷ/km), cao gấp hơn 3 lần cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (159 tỷ/km) và cao hơn cao tốc Bến Lức - Long Thành (510 tỷ/km).

Với việc hoàn thiện tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, khoảng cách giữa hai thành phố đã được rút ngắn xuống còn 25km, thay vì khoảng 70km như trước đây. Khi dự án đi vào khai thác góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), nối liền TP. Hải Phòng với Quảng Ninh và rút ngắn quãng đường từ TP. Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km với thời gian đi bằng ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống còn 1,5 tiếng. Việc sớm đưa vào khai thác tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long cũng góp phần giảm lưu lượng xe trên Quốc lộ 10 và Quốc lộ 18A.

Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Ảnh: BQL vịnh Hạ Long
Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Ảnh: BQL vịnh Hạ Long

Giao thông thuận lợi cũng thúc đẩy du khách trong và ngoài tới tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại các địa điểm của Hải Phòng - Quảng Ninh như Di sản Thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà; bán đảo Tuần Châu, đảo Cô Tô, biển Bãi Cháy, Vân Đồn, Đồ Sơn, vịnh Bái Tử Long...

Quỳnh Như

Theo Chất lượng và cuộc sống