Cầu vượt sông Bạch Đằng 2.000 tỷ chuẩn bị 'cán đích', kết thúc 'sứ mệnh' của một tuyến phà lịch sử lớn nhất miền Bắc
Cây cầu nối hai huyện của Hải Phòng và Quảng Ninh có chiều dài gần 2km sẽ được khánh thành vào dịp đặc biệt của thành phố.
Trên công trình xây dựng cầu Bến Rừng, cây cầu vượt sông Bạch Đằng nối giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, các nhà thầu đang gấp rút tận dụng hiệu quả máy móc và thiết bị để hoàn thành đúng tiến độ vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng 13/5/2024. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương, ngân sách của hai tỉnh.
Cầu Bến Rừng được khởi công tháng 5/2022. Tính đến đầu tháng 4/2024, tiến độ thi công dự án đã đạt 96%. Hiện, các hạng mục chính của dự án đã được hoàn thành, nhà thầu và ban quản lý dự án đang tích cực triển khai các hạng mục còn lại trong tháng 4 này.
Cầu Bến Rừng có chiều dài 1.865,3m, rộng 21,5m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, cùng hạ tầng phụ trợ đồng bộ như dải an toàn, dải phân cách, hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị an toàn giao thông...
Ba trụ chính vượt sông được thiết kế hình chữ V (Victory - chiến thắng) biểu trưng cho ba lần chiến thắng giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.
Bến phà Rừng là tuyến phà lớn nhất miền Bắc với khoảng cách 2 bến khoảng 1,2km. Mỗi ngày bến phà này đón nhận hàng nghìn lượt khách và phương tiện với hơn 100 lượt chuyến. Vì lòng sông rộng nên thời gian chờ đợi lên phà và di chuyển sang sông lên tới 30 phút. Hiện, các phương tiện vận chuyển khách trên tuyến phà này gồm có: 3 phà không tự hành, 2 đò khách và 3 ca nô lai dắt – đều là tài sản của Nhà nước.
Với lưu lượng người qua sông khá lớn, phà đã "lỗi thời" không đủ sức chuyên chở lưu lượng giao thông ngày một đông đúc. Vì vậy, người dân đang rất trông chờ cầu Bến Rừng hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ huyện Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên qua lại nhanh chóng, không phải chờ phà Rừng mất 30-60 phút, hoặc phải đi 40km sang Quốc lộ 18 rồi vòng ra Quốc lộ 10.
Đồng thời, phát huy dư địa đất đai giữa 2 khu vực, mở rộng không gian phát triển mới, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền, nhân dân 2 địa phương, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.