CEO Group: Nhìn từ giá cổ phiếu cây thông, đại hội cổ đông gay cấn đến những dự án khủng
Dù cổ đông có ý kiến không nên phát hành cổ phiếu 1:1 giá 10.000 đồng/CP mà nên phát hành 2:1 giá 20.000 đồng để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhưng CEO đã không lý giải được cặn kẽ lý do, đổ cho MBS tư vấn chúng tôi nên làm như vậy.
Ngày 29/4 vừa qua có lẽ là ngày đáng nhớ nhất của CTCP Tập đoàn C.E.O (mã chứng khoán CEO). Đại hội cổ đông thường niên năm nào cũng tổ chức nhưng chưa năm nào CEO đón nhận nhiều cổ đông dự họp như năm nay. Con số kỷ lục số cổ đông dự họp đã khiến đại hội năm nay "nóng" mọi mặt.
Từ cổ phiếu "cây thông"
Không khó để tìm ra nguyên nhân đại hội cổ đông năm nay của CEO trở nên nóng sốt như vậy. Kể từ tháng 11/2021, cổ phiếu CEO bất ngờ trở mình. CEO leo một mạch từ mệnh giá lên hơn 100.000 đồng/cổ phiếu và xác lập là một trong những cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất sàn chứng khoán Việt Nam cuối năm 2021 đầu năm 2022. CEO tăng giá ồ ạt đến mức những nhà đầu tư chỉ có thể nhìn nhau mà rót tiền còn ai muốn tìm hiểu sâu xa nguyên nhân tăng giá thì chỉ có thể đứng ở ngoài nhìn giá cổ phiếu tăng phi mã mà thôi.
Cổ phiếu CEO từ một mã cổ phiếu bình thường với biến động không đáng kể trên thị trường chứng khoán trong suốt nhiều năm trở thành cổ phiếu hot. Và nếu như cuối 2021, đầu 2022 những nhà đầu tư kịp chốt lãi cổ phiếu CEO vui bao nhiêu thì những người thấy CEO điều chỉnh và "đu đỉnh" lại đau bấy nhiêu. CEO mất hơn một nửa giá trị chỉ trong vòng 2 tháng ngắn ngủi và từ nền giá 100.000 đồng, CEO hiện chỉ còn 41.000 đồng và để lại nỗi đau cho những nhà đầu tư đang gọi nhau với cái tên "thế hệ nhà đầu tư đu đỉnh".
Đến kỳ đại hội cổ đông căng thẳng: Tại sao cổ phiếu thị giá cao lại không chào bán giá cao?
Cổ phiếu thiết lập mô hình cây thông khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề. Đây là lý do chính khiến năm nay Đại hội cổ đông CEO "hot" như vậy. Riêng thủ tục thẩm tra tư cách cổ đông tại cửa ra vào kéo dài tới 1,5 giờ. Nhiều cổ đông dự họp không có chỗ ngồi phải lên ngồi ở hội trường khác để xem qua màn hình.
Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của CEO bàn bạc nhiều nội dung quan trọng từ báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán đến phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 và bầu thành viên HĐQT, ban kiểm soát và đặc biệt là phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2021, doanh thu của CEO là 1.249 tỷ đồng, lãi sau thuế là 82 tỷ đồng. Về chỉ tiêu kinh doanh năm 2022, CEO đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.000 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 300 tỷ đồng. Đối với mảng bất động sản, CEO có kế hoạch tập trung triển khai các dự án trọng điểm gồm: CEOHomes Hana Garden City tại Hà Nội, Sonasea Residences tại Phú Quốc, đáp ứng tiến độ công tác kinh doanh theo kế hoạch.
Đối với mảng bất động sản nghỉ dưỡng, tập đoàn hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tiện ích và thi công xây dựng các hạng mục/sản phẩm tại dự án trọng điểm Sonasea Vân Đồn Harbor City, trong đó tập trung triển khai sản phẩm Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn; hoàn thiện thủ tục các dự án bất động sản nghỉ dưỡng khác để chuẩn bị thi công và kinh doanh khi điều kiện thuận lợi; tiếp tục giới thiệu tới thị trường những sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu thị trường tại các dự án trọng điểm như: Sonasea Vân Đồn Harbor City, Sonasea Residences Phú Quốc…; sớm đưa các dự án tiềm năng khác vào triển khai.
Đối với lĩnh vực du lịch và quản lý khách sạn, tập đoàn xác định kiểm soát, quản lý chặt chẽ và tiết kiệm chi phí vận hành đối với các khách sạn; tăng tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn; đẩy mạnh hoạt động tour tại các địa phương có nhu cầu du lịch lớn sau một thời gian dài hạn chế do dịch Covid-19 bùng phát; xây dựng và phát triển thương hiệu quản lý khách sạn của tập đoàn.
Báo cáo của HĐQT nhận định quý I/2022, thị trường bất động sản đã phục hồi. Tuy nhiên, sang quý II/2022, thị trường có thể bị ảnh hưởng lớn do thiếu nguồn cung, chính sách của nhà nước đối với chứng khoán, phát hành trái phiếu, đấu giá bất động sản, siết chặt tín dụng; thị trường du khách quốc tế vẫn chưa khả quan do Việt Nam mới tuyên bố mở cửa và các nước Đông Bắc Á vẫn đóng cửa biên giới và hoặc theo đuổi chính sách “Zero Covid-19”.
HĐQT CEO Group xác định tập trung nhiều hơn cho phát triển bất động sản nhà ở, khu đô thị tích hợp du lịch, nghỉ dưỡng; nghiên cứu mở rộng sang các ngành, lĩnh vực mới như năng lượng xanh, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản logistics, bất động sản phục vụ người cao tuổi, viện dưỡng lão…
Đáng chú ý, CEO Group sẽ đẩy mạnh việc phát triển quỹ đất bằng việc tham gia đấu thầu, đấu giá, M&A, hợp tác đầu tư các dự án có tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển của tập đoàn. Trong năm 2022, tập đoàn có kế hoạch phát triển thêm các dự án mới trên địa bàn cả nước với tổng quy mô gấp rưỡi hoặc gấp đôi hiện nay, đảm bảo quỹ đất phát triển cho nhiều năm tới.
Về nhân sự, đại hội bầu 5 thành viên HĐQT, 3 thành viên ban kiểm soát. 5 thành viên HĐQT gồm: ông Đoàn Văn Bình, ông Đoàn Văn Minh, bà Vũ Thị Lan Anh, ông Trần Trung Kết, ông Hoàng Thiết Hùng. 3 thành viên ban kiểm soát gồm: bà Trần Thị Thùy Linh, ông Bùi Đức Thuyên, bà Nguyễn Thu Phương.
Đặc biệt, CEO trình cổ đông phương án phát hành 257,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 100%) chào bán cho cổ đông hiện hữu (252,19 triệu cổ phần) và phát hành ESOP (5,14 triệu cổ phần). Vốn điều lệ sau phát hành là gần 5.147 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ phát hành sẽ được dùng theo phương án: đầu tư dự án Sonasea Residence 800 tỷ (thời gian sử dụng 2022 – 2023); tăng vốn cho các công ty con: Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn 1.000 tỷ đồng, Công ty TNHH C.E.O Quốc tế 200 tỷ đồng, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nha Trang 200 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Quốc 105 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xây dựng C.E.O 51 tỷ đồng; bổ sung vốn lưu động 217,9 tỷ đồng.
Tuy kế hoạch đệ trình đầy "sắc màu" nhưng có lẽ, nhiều cổ đông vẫn không yên tâm với kế hoạch HĐQT đệ trình nên nhiều lần chủ tịch CEO Group Đoàn Văn Bình muốn khép lại phần hỏi đáp nhưng nhiều cổ đông vẫn yêu cầu HĐQT đối đáp trực tiếp về kế hoạch. Phiên thảo luận kéo dài ngoài dự kiến, hơn 1 giờ đồng hồ.
Từ nền giá cổ phiếu 100.000 đồng, giờ đây CEO bất ngờ lên kế hoạch phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu là điều khiến cổ đông...sốc nhất. Theo ý kiến cổ đông, có người đề xuất phát hành tỷ lệ 2:1 (tức phát hành một nửa số lượng đề xuất của HĐQT), hoặc giữ nguyên số lượng phát hành nhưng tăng giá lên 20.000 đồng/cổ phần để đảm bảo quyền lợi cổ đông nhưng Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình không lý giải chi tiết lý do vì sao không chọn phương án phát hành cổ phiếu giá cao mà chỉ nói là "Chúng tôi đã cân đối tổng thể để tính toán phương án phát hành. MBS tư vấn phương án, trong đó có cả phương án 2:1, phát hành giá cao. Nhưng chúng tôi được tư vấn nên theo tỷ lệ 1:1. Kính mong cổ đông ủng hộ để chúng ta nâng cao năng lực tài chính cũng như dư địa phát triển dài hạn".
Tương lai cổ phiếu CEO nhìn từ việc...lãnh đạo bán cổ phiếu từ nền giá cao
Đại hội nào dù căng thẳng đến đâu thì cũng phải kết thúc. ĐHCĐ CEO cũng vậy. CEO có tới 42.765 cổ đông nhưng dù rất nhiều cũng chỉ có 669 cổ đông dự họp trực tiếp, đại diện cho hơn 145 triệu cổ phần có quyền biểu quyết dự họp với tỷ lệ 56,45%. Và nếu nhìn vào số cổ phiếu của lãnh đạo công ty trong đó riêng Chủ tịch HĐQT đã là cổ đông lớn nhất thì việc toàn bộ nội dung HĐQT đệ trình ĐHCĐ đều được thông qua bất chấp còn nhiều tranh cãi của cổ đông nhỏ lẻ là điều dễ hiểu.
Đại hội cổ đông CEO năm 2022 khép lại với tất cả nội dung HĐQT đệ trình đều được thông qua với tỷ lệ tán thành không trọn vẹn, hầu như đệ trình nào cũng chỉ đạt 97-98%. Tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ đã không tác động đến kết quả cuối cùng tại đại hội.
Trước cú rơi sâu của cổ phiếu CEO, dường như, các vị lãnh đạo của công ty đã kịp thoái bớt vốn. Hồi cuối tháng 2/2022, khi cổ phiếu CEO vẫn đang ở vùng giá gần gấp đôi hiện tại, chị gái bà Phạm Thị Mai Lan-phó chủ tịch HĐQT trước kỳ bầu cử tại ĐHCĐ lần này đã kịp bán gần 2,7 triệu cổ phiếu; Trước đó, ông Cao Văn Kiên, Tạ Văn Tố là 2 vị Phó tổng giám đốc của công ty cũng đã kịp chốt lãi cổ phiếu CEO ở đỉnh giá hồi tháng 1/2022.
Câu hỏi ngỏ đang đặt ra cho giới đầu tư là cổ phiếu CEO rồi sẽ đi về đâu khi mà, hiện tại CEO đã xác lập mô hình "cổ phiếu cây thông", đại hội cổ đông căng thẳng và tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ đã không thật sự được lắng nghe. Nếu việc phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 với mức giá thấp hơn thị giá hiện tại rất nhiều và chỉ bằng 1/10 mức giá vài tháng trước thì liệu, cổ phiếu CEO thực sự hấp dẫn? Kết quả kinh doanh quý 1/2022 vừa được CEO công bố vẫn còn con số lãi gần 26 tỷ so với con số lỗ cùng kỳ nhưng doanh thu đã giảm sâu gần 19%. Mức lãi này nếu nhìn, đem so với những con số lỗ hoặc thấp của các năm trước thì đương nhiên sẽ là cao nhưng nếu đem so với quy mô vốn điều lệ đã 2.573 tỷ đồng thì thực tế lợi ích thu về cho cổ đông cũng không phải là quá lớn.
Những nhà đầu tư lỡ đặt niềm tin và "đu đỉnh" đã chịu thua lỗ nặng nề, liệu cổ phiếu CEO còn có thể quay về thời kỳ tăng giá bất thường để họ giảm bớt nỗi đau?
Trong chuỗi những ngày tăng giá của cổ phiếu CEO, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã từng đưa ra khuyến nghị cho nhà đầu tư đối với cổ phiếu CEO khi thị giá cổ phiếu này bị thổi phồng bởi dòng tiền đầu cơ.
Theo báo cáo của CTCK SBS, CTCP Tập đoàn C.E.O kinh doanh bất động sản và có quỹ đất giá trị lên đến 962.1 ha chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc (304 ha), Quảng Ninh (383 ha), Hà Nội (44 ha). Trong dài hạn, SBS đánh giá CEO vẫn có tiềm năng tăng trưởng của mảng kinh doanh chuỗi bất động sản du lịch và resort hứa hẹn khi ngành du lịch – hàng không bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế vào năm 2022.
Tuy sở hữu nhiều quỹ đất lớn nhưng các chuyên viên phân tích tại SBS nhận định, khả năng triển khai dự án của CEO vẫn còn hạn chế do thiếu quy mô vốn đầu tư. Bên cạnh đó, ông lớn kinh doanh bất động sản Phú Quốc còn bị ghì chặt hoạt động bởi đại dịch COVID-19 thời gian qua.