Chậm hoàn thuế hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp gỗ kiệt quệ

Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), hiện này ngành gỗ đang bị chậm hoàn thuế VAT cả nghìn tỷ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp gỗ kiệt quệ, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Chậm hoàn thuế hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp gỗ kiệt quệ
Chậm hoàn thuế hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp gỗ kiệt quệ

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban IV, vừa ký văn bản số 04/Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội quý I/2023.

Doanh nghiệp chật vật với hoàn thuế

Vấn đề nổi cộm tại báo cáo này liên quan đến lĩnh vực thuế. Doanh nghiệp phản ánh một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế, bao gồm: chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su...; mức thuế GTGT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá; chậm cải thiện các chính sách thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa (y tế, giáo dục...).

Doanh nghiệp ngành gỗ đang được xem là đối tượng gặp vấn đề này nghiêm trọng nhất. Từ cuối năm ngoái, các doanh nghiệp đã nhiều lần kêu cứu vì những bất hợp lý trong thực thi hoàn thuế GTGT. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau đó cũng đã đề xuất Bộ Tài chính gỡ khó về vấn đề này cho doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp gỗ, việc hoàn thuế GTGT đang kéo dài, không có thời hạn cụ thể khiến họ bị động. Số tiền hoàn đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng khi cộng dồn từ năm 2020 đến nay, tạo ra áp lực về dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường lớn đang sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất cao.

"Nếu tình trạng này còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản", báo cáo của Ban IV cho biết.

Ngoài ra, quy trình giám sát nguồn gốc gỗ cũng được nhìn nhận là dàn trải, nhiều khâu trong xét hoàn thuế, không phù hợp thực tiễn, chưa phản ánh đúng mục tiêu quản lý thuế và đẩy hết rủi ro vào khâu trồng rừng (chưa phát sinh thuế) hoặc các khâu mua bán gỗ nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu.

Ban IV cho biết cách làm này dẫn đến thực trạng nóng là khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm ở khâu rừng trồng, mua bán gỗ nguyên liệu tại một địa phương phía Bắc, tất cả doanh nghiệp nhóm "mua hàng" đã đồng loạt dừng nhập nguyên liệu gỗ đầu vào ở những nơi này. Điều đó ảnh hưởng tức thì đến chuỗi cung ứng và sản xuất.

Tình trạng khó hoàn thuế GTGT cũng xảy ra với ngành giấy. Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam nói do việc thu mua giấy đã qua sử dụng hầu hết không có hoá đơn, doanh nghiệp rất khó chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sản xuất để hoàn thuế.

Tổng cục Thuế hiện cho phép doanh nghiệp làm các bảng kê nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng, là một con số quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều công sức làm chứng từ, bảng kê để đáp ứng quy định.

Còn với ngành phân bón, doanh nghiệp cho biết khó khăn đến từ việc mặt hàng này không chịu thuế GTGT.

Do hàng hóa không chịu thuế, nguyên liệu đầu vào sẽ không được khấu trừ, doanh nghiệp phải tính toán toàn bộ phát sinh thuế GTGT vào chi phí sản xuất khiến giá thành tăng lên, từ đó giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ngoài ra, các dự án đầu tư cho sản xuất phân bón cũng không được hoàn thuế GTGT cho trang thiết bị công nghệ khiến suất đầu tư cao, làm giảm động lực của doanh nghiệp đối với việc nghiên cứu phát triển.

Để xử lý các vấn đề này, doanh nghiệp ngành gỗ đề xuất, Bộ Tài chính cần có quy định phân loại trong quá trình thực hiện hoàn thuế GTGT. Doanh nghiệp lâu năm, có uy tín nên cho được hậu kiểm; còn doanh nghiệp mới thì kiểm tra, xác minh trước rồi mới hoàn thuế.

Các cơ quan chức năng cũng cần đánh giá lại khâu nguy cơ cao về gian lận thuế trong chuỗi để giám sát tập trung; xem xét làm rõ trách nhiệm của từng doanh nghiệp trong chuỗi, thay vì dồn chế tài vào doanh nghiệp ở khâu sản xuất cuối cùng.

Với ngành giấy, doanh nghiệp đề xuất được đóng thay thuế GTGT cho các đầu mối thu mua phế liệu, sau đó hoàn thuế để giải quyết các vướng mắc về chứng minh nguồn gốc. Còn doanh nghiệp ngành phân bón kiến nghị sửa đổi luật để áp thuế với phân bón, ví dụ ở mức 5% nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thiết lập cơ chế đối thoại trọng tâm với doanh nghiệp

Để giải quyết những nhóm vấn đề vướng mắc nêu trên, Ban IV cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với doanh nghiệp ngay trong quý II hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu Covid... từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.

Đối với các vấn đề có nhiều diễn biến mới trên quy mô toàn cầu như: xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hay các quy định ràng buộc về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp... đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đầu mối (ví dụ Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương) thiết lập các chuyên trang thông tin, chương trình giao ban định kì (hàng tháng, hàng quý) với doanh nghiệp để trao đổi thông tin 2 chiều, nhằm giúp doanh nghiệp trong nước sớm định hình hướng đi, tận dụng mọi cơ hội, vượt qua các thách thức.

Liên quan tới giao ban định kì, hiện Bộ Ngoại giao cùng Ban IV đã thiết lập và vận hành từ đầu năm 2023 chương trình giao ban giữa mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua ngoại giao kinh tế; Bộ Công Thương cũng đã thiết lập và vận hành chương trình giao ban tháng giữa tham tán thương mại Việt Nam ở các nước với đại diện các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Ban IV, mô hình này cần được các bộ, địa phương nhân rộng hoặc phối hợp thực hiện để đảm bảo tính chủ động không chỉ của doanh nghiệp mà của chính các bộ, địa phương trong quá trình tham mưu, thực thi chính sách trong bối cảnh toàn cầu biến động phức tạp, khó lường.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance