Vừa xin làm sân bay quốc tế, Xuân Trường tiếp tục xin mở rộng cao tốc Bắc - Nam

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất đầu tư mở rộng một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP với tổng chiều dài 415km, tổng mức đầu tư 59.632 tỷ đồng.

Tham vọng lớn của xây dựng Xuân Trường

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP.

Cụ thể, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư mở rộng một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP với tổng chiều dài 415km, tổng mức đầu tư 59.632 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất mở rộng 415km cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh hoạ)  
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất mở rộng 415km cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh hoạ)  

Các dự án mà Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất mở rộng gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ.

Các dự án thành phần này có chiều dài từ 35 - 66km, hiện có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m, được đề xuất mở rộng lên quy mô 6 làn xe.

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất triển khai các dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, kết hợp nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay thương mại (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ).

Doanh nghiệp cam kết bố trí nguồn lực tài chính, nhân sự, thiết bị để triển theo đúng quy định, tiến độ hoàn thành theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, UBND các các địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình chuần bị, triển khai dự án; tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông.

Giữa tháng 6 vừa qua, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng có văn bản đề xuất xây dựng sân bay quốc tế tại tỉnh Ninh Bình mới. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp cùng với tỉnh Ninh Bình xây dựng 2 trục đường chính quy mô 8 làn xe, từ Di sản Tràng An - Bái Đính kết nối với thành phố Nam Định và Phủ Lý; xây 9 cây cầu qua sông Đáy, sông Hoàng Long để đưa Ninh Bình trở thành trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước.

Nguồn vốn đầu tư sân bay sẽ bao gồm ngân sách của tỉnh Ninh Bình mới và nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách Trung ương. Thời gian thi công 2 trục đường, 9 cây cầu không quá 12 tháng.

Sau khi nhận được đề xuất của Xuân Trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình mới và các cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Trong văn bản trả lời sau đó, Bộ Xây dựng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương nghiên cứu, bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới tại tỉnh Ninh Bình.

Cuộc đua của các doanh nghiệp tư nhân

Cao tốc Bắc - Nam đã được đầu tư xây dựng khoảng 1.375km với quy mô từ 2 - 4 làn xe. Trong đó, 654km thuộc giai đoạn 1 (2017-2020) đã đưa vào khai thác; 721km thuộc giai đoạn 2 (2021-2025) đang triển khai, dự kiến hoàn thành năm 2025-2026.

Do hạn chế nguồn lực, nhiều đoạn tuyến chỉ được xây dựng 2-4 làn xe, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất an toàn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án mở rộng toàn tuyến lên 6 làn xe, phấn đấu khởi công một số dự án thành phần vào tháng 12/2025.

Đến nay, Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án đầu tư mở rộng 15 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc dự án đầu tư một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án đầu tư mở rộng 15 dự án cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh hoạ)  
Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án đầu tư mở rộng 15 dự án cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh hoạ)  

Với phương án 1, Bộ Xây dựng gộp các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thành 1 dự án để đầu tư (gồm 15 tuyến cao tốc) với tổng chiều dài khoảng 966km và tổng mức đầu tư khoảng 128.292 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).

Với phương án 2, Bộ Xây dựng đề xuất tách thành 2 dự án (mỗi khu vực một dự án). Trong đó, dự án 1 bao gồm 8 dự án thành phần từ Mai Sơn đến Cam Lộ với tổng chiều dài khoảng 415km, tổng mức đầu tư khoảng 54.182 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng); dự án 2 bao gồm 7 dự án thành phần từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây với tổng chiều dài khoảng 551 km, tổng mức đầu tư 74.110 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).

Với sự xuất hiện của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, cuộc đua tại dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam hiện có sự tham dự của 7 nhà đầu tư, gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Giao thông Phương Thành, VIDIFI, VEC, Công ty cổ phần Rạng Đông và Xuân Trường.

Trong đó, Phía Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án phân chia dự án thành phần của Dự án tổng thể mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.241km thành 7 dự án thành phần hoặc 3 dự án thành phần.

Trong trường hợp lựa chọn phân chia dự án mở rộng thành 3 dự án thành phần, Đèo Cả đề nghị xem xét giao cho Tập đoàn Đèo Cả (liên danh với một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam - VEC, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính - Vidifi… lập đề xuất dự án thành phần 1 (từ Mai Sơn đến Hoài Nhơn, dài 651km) và dự án thành phần 3 (từ Cam Lâm đến Dầu Giây, dài 278 km) và Tập đoàn Sơn Hải lập đề xuất dự án thành phần 2 (từ Hoài Nhơn đến Cam Lâm, dài 312km).

Tập đoàn Sơn Hải thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao đơn vị đứng đầu, hợp tác với một số nhà đầu tư có năng lực nghiên cứu và thực hiện đầu tư hoàn chỉnh các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 263km từ thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đến TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), gồm các dự án: Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang theo phương thức PPP.

VIDIFI thì mong muốn được Chính phủ được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó ưu tiên dự án khu vực phía Bắc (gồm các đoạn tuyến: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng) với chiều dài khoảng 300km và tổng mức đầu tư khoảng 45.375 tỷ đồng, theo phương thức PPP (hoặc theo phương thức khác do cấp có thẩm quyền quyết định).

Công ty Phương Thành thì đề xuất nghiên cứu và đầu tư hoàn chỉnh Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Vũng Áng - Bùng - Vạn Ninh (chiều dài 104 km) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (chiều dài 99 km).

Đánh giá về sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân tại dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng việc các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giao thông mạnh dạn gửi văn bản đề xuất tham gia cho thấy sự lan tỏa của Nghị quyết 68 về kích hoạt doanh nghiệp tư nhân.

Theo PGS. TS Trần Chủng, trước đây, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông chủ yếu theo hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ là chuyển sang đầu tư PPP, huy động nguồn lực của xã hội và các doanh nghiệp tư nhân.

PGS. TS Trần Chủng cũng đánh giá các doanh nghiệp đăng ký tham gia mở rộng đều đã có các dự án giao thông lớn, minh chứng cho kinh nghiệm triển khai cũng như năng lực tài chính.

Ông Chủng kiến nghị Bộ Xây dựng cần phân chia các dự án thích hợp, không tạo ra thách thức với các doanh nghiệp. Ví dụ, tỷ lệ góp vốn, các dự án thành phần dưới 20.000 tỷ đồng sẽ phù hợp hơn so với các dự án 30.000 - 40.000 tỷ đồng. Các dự án PPP tỷ lệ vốn chủ sở hữu 15%, còn lại là vốn vay. Nếu vay quá lớn thì các ngân hàng cũng rất e ngại.

"Cần phân chia dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam thành các dự án thành phần với tổng vốn thích hợp, vừa hấp dẫn nhà đầu tư vừa dễ vay vốn ngân hàng hơn", PGS. TS Trần Chủng đặt vấn đề.

Chí Bình

Theo VietnamFinance