Chỉ có duy nhất 1 lô trái phiếu phát doanh nghiệp hành trong tháng 4
Theo báo cáo của FiinRatings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, cả tháng 4 chỉ có một lô trái phiếu thuộc ngành bất động sản được phát hành.
Báo cáo mới nhất của FiinRatings cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 lại giảm mạnh khi chỉ có một lô được phát ngành.
Lô trái phiếu duy nhất này thuộc nhóm ngành bất động sản, có trị giá 671 tỷ đồng, phát hành bởi Công ty cổ phần North Star Holdings. Trái phiếu có kỳ hạn 16 tháng, lãi suất 14% mỗi năm. Đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay.
Như vậy, quy mô phát hành tháng 4 chỉ tương đương 2,25% so với cùng kỳ 2022 và 2,5% so với tháng 3 - thời điểm thị trường bật tăng với 13 lô trái phiếu được phát hành với với tổng trị giá đạt gần 18.000 tỷ đồng. Cùng với đó, quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn tháng qua là gần 11.300 tỷ đồng, giảm 41,61% so với tháng 3 và giảm 10% so với cùng kỳ.
Cũng theo FiinRatings, tính đến ngày 4/5, thị trường ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu với tổng giá trị là 128.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất.
Điểm sáng gần đây là thị trường đã ghi nhận một số hoạt động tái cơ cấu nợ trái phiếu theo Nghị định 08. Hôm 4/5, Bất động sản Phát Đạt gia hạn lô trái phiếu trị giá 148 tỷ đồng, đi kèm với nâng cao lãi suất đến ngày đáo hạn. Hay như một doanh nghiệp gia tăng kỳ hạn 52 gói trái phiếu từ 36 tháng lên 60 tháng.
Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước đã tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu mà không cần chờ sau một năm. Điều này phần nào ổn định tâm lý, giảm tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng hơn, theo FiinRatings.
Tháng qua, hoạt động mua lại trong tháng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61% giá trị. Giá trị trái phiếu ngân hàng được mua lại tăng 5,64 lần so với tháng 3 và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đến từ các ngân hàng lớn như Ngân hàng Quốc tế, Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng và BIDV. Hầu hết các lô được ngân hàng mua lại có kỳ hạn 3 năm và có thời gian đáo hạn còn lại một hoặc 2 năm.