Chỉ khi hấp dẫn được nhiều tay chơi lớn, thị trường trái phiếu mới có thể phát triển mạnh?
Do lãi suất điều hành tăng cùng room tín dụng hạn hẹp, nên nhiều doanh nghiệp hiện đặt kỳ vọng vào thị trường trái phiếu.
Giới chuyên gia đánh giá khá tích cực về Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) mà Chính phủ vừa ban hành, bởi có nhiều nội dung “thoáng” hơn so với dự thảo công bố trước đó, trong khi vẫn nâng cao được tính minh bạch cũng như nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Với các quy định của Nghị định 65, phía cung (nhà phát hành) không bị áp thêm điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Song đánh giá của không ít chuyên gia, phía cầu (bên mua) lại bị co hẹp đáng kể. Nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu không những phải nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỷ đồng, mà còn phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề. Hình thức mua bán “chui” trái phiếu qua các hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư cũng bị chặn.
Dựa theo số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp 7 tháng đầu năm có một số điểm đáng chú ý. Cụ thể, thị trường này gồm 46,14% nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng; 22,43% là các công ty chứng khoán; hơn 10% là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Tuy vậy, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ gần 33% lượng trái phiếu riêng lẻ.
Chính vì vậy, việc nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp và chặn cửa mua bán chui sẽ khiến lượng nhà đầu tư cá nhân đáp ứng được yêu cầu giảm mạnh. Ngoài ra, sức cầu của bên mua lớn nhất thị trường hiện nay (là các tổ chức tín dụng) cũng suy yếu, bởi hầu hết ngân hàng đã cạn room tín dụng.
Bên cạnh đó, việc sụt giảm hai nguồn cầu lớn (tổ chức tín dụng và cá nhân) trong khi thị trường chưa xuất hiện các “tay to” mới để bù đắp sẽ khiến sân chơi trái phiếu doanh nghiệp chưa thể sớm sôi động trở lại.
Ở góc độ khác, định hướng của nhà quản lý khi nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là rất đúng đắn, có thể giúp thị trường trở nên chuyên nghiệp hơn, đa dạng hóa chủ thể tham gia thị trường. Ở đây, việc nắn vốn đầu tư trái phiếu chảy qua quỹ và các nhà đầu tư tổ chức vừa an toàn cho nhà đầu tư, vừa thuận tiện cho cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước khi cần chấn chỉnh cũng sẽ có địa chỉ cụ thể để “nắn”, nhanh hơn so với việc nâng cao nhận thức của hàng vạn nhà đầu tư cá nhân.
Mặc dù vậy, chuyên gia cho rằng, Nghị định 65 mới chỉ nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà chưa có cơ chế phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu, trong khi các cơ chế về quỹ hiện còn bất cập.
Đơn cử, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư mua bán chứng khoán chỉ cần nộp thuế thu nhập cá nhân 0,1% tổng giá trị mua bán, song nếu mua chứng chỉ quỹ của Quỹ Trái phiếu và có lãi, thì sẽ phải nộp thuế 5%. Các quỹ, nếu có lãi cũng sẽ lại phải nộp thuế 20% cho chênh lệch mua bán đó. Với các quỹ nhận ủy thác đầu tư, nhà đầu tư muốn thông qua quỹ để mua trái phiếu riêng lẻ cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hơn nữa, bản thân các quỹ này cũng chỉ được giải ngân khoảng 10% tổng giá trị quỹ vào trái phiếu.
Các cơ chế bất cập trên khiến ngành quỹ chưa thể mạnh tay đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Nói cách khác, muốn các quỹ đầu tư trái phiếu phát triển, thì cơ chế cho ngành quỹ phải thay đổi.
Ngoài ra, muốn thị trường trái phiếu phát triển, Chính phủ cần nghiên cứu cho phép nhiều nhà đầu tư mới, giàu tiềm năng tham gia thị trường, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hiện tại, các quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chỉ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại được xếp hạng cao…, chứ chưa được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Nghị định 65 đã đi đúng hướng khi siết nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giảm thiểu rủi ro cho thị trường. Thế nhưng, để có kênh xả lũ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thì bên cạnh nỗ lực thanh lọc những nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, cần có cơ chế “mở” cho các quỹ.
Đồng thời, phải tạo sân chơi cho phép nhiều “tay chơi” mới tham gia thị trường. Chỉ khi hấp dẫn được nhiều tay chơi lớn, thị trường trái phiếu mới có thể phát triển mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực trong dân, từ đó mở thêm cửa tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Thanh lọc nhà phát hành trái phiếu, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, với các quy định mới, chỉ nhà phát hành thực sự có năng lực mới có thể phát hành trái phiếu, song các quy định này là cần thiết để minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư.
Nghị định 65 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua TPDN. Đây sẽ là giải pháp nhằm ổn định hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt.
Quy định cụ thể về thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ giúp phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam. Nghị định 65 giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng để giảm thiểu các rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; thúc đẩy việc hình thành các định chế đầu tư dài hạn chuyên nghiệp trên thị trường.
Công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường đã được quy định rõ ràng, minh bạch hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch, công bằng, có kỷ cương, kỷ luật, qua đó giữ và củng cố lòng tin của nhà đầu tư với thị trường.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong điều hành và quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng và chủ động thông tin tuyền truyền, định hướng thị trường.
Nghị định 65 đã bổ sung cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua TPDN riêng lẻ. Các nhà đầu tư cá nhân trước khi tham gia thị trường cũng cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro.
Mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để mua bán chui TPDN không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư), mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh, kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật. Do đó, các quy định của Nghị định 65 có tác dụng rất lớn trong ngăn chặn hiện tượng lách luật mua bán chui TPDN trong thời gian qua.
Theo ông Hà, sức cầu thị trường trái phiếu thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố sau, thứ nhất, hành lang pháp lý liên quan để phát triển thị trường TPDN cần phải an toàn, ổn định, bền vững.
Cụ thể, cần tập trung vào hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán, chuẩn hóa quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành. Đặc biệt, cần tiến tới xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường TPDN xanh, như quy định về các dự án sử dụng vốn trái phiếu xanh, giao dịch trái phiếu xanh…
Thứ hai, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hóa hàng hóa TPDN phù hợp với nhu cầu huy động vốn. Thực hiện ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng. Xây dựng quy định, quy chuẩn về trái phiếu xanh và các sản phẩm TPDN dự án hợp tác công - tư.
Thứ ba, khuyến khích thành lập, thu hút các tổ chức tư vấn, xếp hạng tín nhiệm, định giá tham gia thị trường để nâng cao chất lượng TPDN được phát hành, giúp nhà đầu tư có thêm thông tin về rủi ro, định giá hợp lý khi mua bán trái phiếu.
Thứ tư, đa dạng hóa các chủ thể tham gia trên thị trường trái phiếu, ưu tiên các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, định chế tài chính trung gian, gồm cả các quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội, các công ty bảo hiểm có sở hữu của Nhà nước.